Theo Nghị định, phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng nếu sử dụng Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu hết hiệu lực; tự tẩy xoá, sữa chữa, làm giả hoặc cho thuê Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu. Phạt tiền từ 30 - 40 triệu đồng đối với thương nhân kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu có cầu cảng, kho tiếp nhận xăng dầu, phương tiện vận tải xăng dầu không đúng quy định.
Phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu không niêm yết giá bán lẻ xăng dầu hoặc niêm yết giá bán lẻ xăng dầu không đúng quy định, gây nhầm lẫn cho khách hàng. Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi tự ý điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu không đúng thời điểm thương nhân đầu mối quy định. Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng đối với tổng đại lý, thương nhân đầu mối có hành vi cắt giảm lượng hàng bán ra so với thời gian trước đó mà không có lý do chính đáng.
Phạt tiền từ 20 – 30 triệu đồng đối với hành vi tự ý tháo dỡ niêm phong, kẹp chì, dấu kiểm định, tem kiểm định trên phương tiện đo; làm thay đổi tình trạng kỹ thuật và đặc tính đo lường của phương tiện đo và các hành vi gian lận khác về đo lường khi bán xăng dầu.
Nếu tổng đại lý, đại lý bán lẻ xăng dầu chuyển tải, sang mạn xăng dầu không đúng vị trí quy định sẽ bị phạt từ 50 – 60 triệu đồng. Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng nếu gia công xuất khẩu xăng dầu khi không phải là doanh nghiệp sản xuất xăng dầu.
Bên cạnh đó, tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính về kinh doanh xăng dầu còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như: tước quyền sử dụng Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, Giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu; tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính…
Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012.
Hoàng Phạm