Thông tin tuyên truyền
Thứ 2, Ngày 13/04/2009, 04:31
Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước
Cỡ chữ: Font size: Giảm (A-) Mặc định (A) Tăng (A+)
13/04/2009
(TTĐT)-Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 29-CT/TW ngày 21/1/2009 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.  Để đáp ứng nhu cầu thông tin bạn đọc, BBT Website xin đăng toàn văn Chỉ thị.
Ngày 15 tháng 11 năm 2004, Bộ Chính trị (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 41-NQ/TW “Về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết, công tác bảo vệ môi trường đã đạt được một số kết quả nhất định. Luật Bảo vệ môi trường (năm 2005) và Luật Đa dạng sinh học (năm 2008) đã được Quốc hội thông qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về môi trường tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và bước đầu đáp ứng được nhu cầu thực tiễn. Nhận thức, ý thức về công tác bảo vệ môi trường trong các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, của các tầng lớp nhân dân được nâng lên một bước. Lần đầu tiên nhóm chỉ tiêu về môi trường đã được xây dựng đưa vào các chỉ tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006 - 2010 và hình thành mục chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường với mức chi hàng năm không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước. Hệ thống các cơ quan quản lý môi trường từ Trung ương đến cơ sở được tăng cường, lực lượng cảnh sát môi trường đã được thành lập và đi vào hoạt động. Những vấn đề bức xúc và các điểm nóng về môi trường đang từng bước được giải quyết.

Tuy nhiên, việc thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp Nghị quyết số 41-NQ/TW đã đề ra còn nhiều thiếu sót, công tác bảo vệ môi trường còn nhiều hạn chế, yếu kém. Nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của nhiều cấp ủy, lãnh đạo các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân chưa đầy đủ; ý thức bảo vệ môi trường nhìn chung còn thấp. Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn chậm, không đồng bộ. Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Trình độ khoa học - công nghệ bảo vệ môi trường, xử lý, giải quyết ô nhiễm môi trường còn thấp. Nguồn vốn đầu tư và chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhiều địa phương còn sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường cho các mục đích khác hoặc sử dụng không hiệu quả. Trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ môi trường còn thiếu và lạc hậu. Nhiều nơi trong chỉ đạo, điều hành chỉ quan tâm tới các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ các yêu cầu bảo vệ môi trường; có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý nhà nước, thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; chưa giải quyết dứt điểm các điểm nóng, bức xúc về ô nhiễm môi trường. Tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường diễn ra khá phổ biến. Nhiều vi phạm có tổ chức, tinh vi, một số hành vi có dấu hiệu tội phạm. Ô nhiễm môi trường tiếp tục gia tăng với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, đời sống của nhân dân. Những hạn chế, yếu kém nói trên cùng với tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu và hội nhập quốc tế đặt ra cho công tác bảo vệ môi trường nhiều thách thức lớn cả trước mắt và lâu dài.

Trước tình hình trên, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện triệt để các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết số 41-NQ/TW nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

1- Tổ chức kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị; xác định rõ những ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân; đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Nghị quyết 41 và Chỉ thị này; đưa nội dung kiểm điểm công tác bảo vệ môi trường vào báo cáo tổng kết, đánh giá định kỳ của cơ quan, đơn vị.

2- Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân về trách nhiệm, ý thức bảo vệ môi trường. Phát huy vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng trong tuyên truyền về bảo vệ môi trường; đa dạng hóa nội dung, hình thức tuyên truyền, làm cho nhân dân hiểu rõ hậu quả trước mắt cũng như lâu dài của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đối với sức khỏe con người, đời sống xã hội và sự phát triển bền vững của đất nước; những bài học và kinh nghiệm về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu của các nước trong khu vực và trên thế giới; công bố công khai những tổ chức, doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và hình thức xử lý. Đưa nội dung giáo dục môi trường vào chương trình, sách giáo khoa của hệ thống giáo dục quốc dân. Coi trọng việc phát động phong trào bảo vệ môi trường trong các tầng lớp nhân dân. Xây dựng tiêu chí về môi trường vào đánh giá hoạt động của từng doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, gia đình, làng, bản, khu phố, tập thể, cá nhân, đảng viên, đoàn viên, hội viên. Phát hiện, nhân rộng và tuyên truyền các mô hình, điển hình tiên tiến về bảo vệ môi trường. Duy trì và phát triển giải thưởng môi trường hàng năm.

3- Tăng cường, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm cụ thể hoá và hướng dẫn đầy đủ Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học; sửa đổi, bổ sung các quy định về tội phạm môi trường trong Bộ Luật Hình sự. Quy định các chế tài xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; xây dựng và ban hành qquy định bồi thường thiệt hại về môi trường. Kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về môi trường từ Trung ương đến cơ sở ; bảo đảm ở cấp huyện có bộ phận quản lý môi trường, cấp xã có cán bộ phụ trách công tác bảo vệ môi trường. Làm rõ chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giữa các cấp, các ngành. Không phê duyệt chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư tiềm ẩn nguy cơ cao đối với môi trường. Không đưa vào vận hành, sử dụng các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu đô thị, công trình, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất mới không đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Quản lý chặt chẽ chất thải, nhất là các chất thải nguy hại trong sản xuất công nghiệp, dịch vụ, y tế, nghiên cứu khoa học; chấm dứt nạn đổ phế liệu, xả nước thải chưa qua xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường vào các sông, kênh, rạch, hồ ao. Thu gom và xử lý toàn bộ rác thải sinh hoạt và rác thải công nghiệp bằng các biện pháp thích hợp; ưu tiên việc tái chế, tái sử dụng, hạn chế tối đa việc chôn lấp. Xử lý dứt điểm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường đặc biệt nghiêm trọng. Giải quyết cơ bản tình trạng ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư do chất thải của các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các làng nghề, các khu vực bị nhiễm độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh. Kiên quyết đình chỉ hoạt động hoặc buộc di dời những cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng trong khu dân cư nhưng không có biện pháp khắc phục có hiệu quả. Thực hiện kế hoạch phục hồi và cải thiện môi trường tại các khu vực đã bị ô nhiễm, suy thoái nặng. Thực hiện việc đánh giá công nghệ sản xuất của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài, bảo đảm không đưa vào nước ta công nghệ cũ, lạc hậu gây ô nhiễm môi trường. Xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng nhập khẩu phế liệu, máy móc, thiết bị đã qua sử dụng để đưa chất thải vào nước ta. Kiểm soát chặt chẽ việc sản xuất, nhập khẩu và sử dụng hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất, bảo quản sản phẩm nông nghiệp, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm mọi sai phạm, nhất là những sai phạm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

4- Đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường, có cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức, cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường. Xây dựng và phát triển lực lượng tình nguyện viên bảo vệ môi trường. Tăng cường sự giám sát của cộng đồng, các đoàn thể nhân dân, các cơ quan thông tin đại chúng đối với bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Phát triển các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác bảo vệ môi trường với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Hình thành các loại hình tổ chức đánh giá, tư vấn, giám định, chứng nhận về bảo vệ môi trường; thành lập doanh nghiệp dịch vụ môi trường đủ mạnh để giải quyết các vấn đề môi trường lớn, phức tạp của đất nước.

5- Tăng đầu tư và sử dụng đúng mục đích, hiệu quả nguồn chi thường xuyên từ ngân sách cho sự nghiệp môi trường, khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước đầu tư bảo vệ môi trường; tăng tỉ lệ đầu tư cho môi trường trong nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA). Từng bước thực hiện việc thu phí, ký quỹ bảo vệ môi trường, buộc bồi thường thiệt hại về môi trường. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ về vốn, khuyến khích về thuế, trợ giá đối với hoạt động môi trường. Xây dựng và triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, dự báo kịp thời các diễn biến của biến đổi khí hậu, lồng ghép các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển theo hướng thích ứng với biến đổi khí hậu; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về môi trường.

6- Nghiên cứu xây dựng các luận cứ khoa học phục vụ hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, dự báo, cảnh báo về tài nguyên, môi trường; nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học và công nghệ về bảo vệ môi trường, xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái, sự cố môi trường và biến đổi khí hậu. Hình thành và phát triển ngành công nghiệp môi trường. Tăng cường sản xuất và sử dụng nhiên liệu sinh học, năng lượng sạch, năng lượng ái tạo, các sản phẩm thân thiện với môi trường. Nâng cao năng lực của các cơ quan nghiên cứu, hiện đại hóa trang thiết bị, kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, đánh giá về môi trường. Tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ rừng và môi trường biển.

7- Hợp tác chặt chẽ với các nước láng giềng và các nước trong khu vực để giải quyết các vấn đề môi trường liên quốc gia. Tham gia tích cực vào các hoạt động quốc tế và khu vực vì môi trường; thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, chương trình, dự án song phương và đa phương về bảo vệ môi trường phù hợp với lợi ích quốc gia. Nâng cao vị thế của ước ta trên các diễn đàn khu vực và toàn cầu về môi trường. Tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các nước, các tổ chức quốc tế và cá nhân cho công tác bảo vệ môi trường.

Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, các tỉnh ủy, thành ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương quán triệt và tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị theo phạm vi, quyền hạn, trách nhiệm của mình.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Trung ương Đảng, cá bộ, ngành có liên quan hướng dẫn thực hiện, thường xuyên kiểm tra, định kỳ báo cáo Ban Bí thư kết quả thực hiện Chỉ thị này.

T/M BAN BÍ THƯ
Đã ký
Trương Tấn Sang
Lượt người xem:  Views:   522
Chia sẻ:
Share:
Tin khác
Manage PermissionsManage Permissions
|
Version HistoryVersion History

Tiêu đề

Hình ảnh

Hình ảnh mô tả

Tóm tắt

Nội dung

Link thay thế nội dung

Ngày xuất bản

Tin nổi bật(Time)

Tác giả

Số Trang

Số Ảnh

Số tiền

Trạng thái

Lịch sử

Số lượt người đọc

Phân loại

Loại bài viết

Audio

Tin liên quan

Từ khóa

FriendlyName

Tin nổi bật

Email

Từ khóa

Hệ số ảnh

Hệ số lương cơ sở

Hệ số tin

LuongCoSo

Tiền nhuận bút

Approval Status

Attachments

Content Type: Tin Tức Mở Rộng
Version:
Created at by
Last modified at by
Thông tin tuyên truyền