Kế hoạch nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, các cấp, các ngành và nhân dân trong tỉnh về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của GDNN trong phát triển kinh tế - xã hội, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.
Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng GDNN để tạo đột phá về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có kỹ năng nghề đảm bảo về chất lượng, đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu trình độ, ngành nghề phù hợp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030 thu hút 50% học sinh trung học vào hệ thống GDNN; đào tạo lại, đào tạo thường xuyên cho khoảng 50% lực lượng lao động; phấn đấu có 03 trường cao đẳng đạt trường chất lượng cao, cơ bản tiếp cận trình độ các nước ASEAN 4, G20; phấn đấu có khoảng 09 ngành nghề trọng điểm cấp quốc gia, khu vực ASEAN và quốc tế, trong đó 02 nghề cấp độ ASEAN và 02 nghề cấp độ quốc tế; đến năm 2045 GDNN cơ bản đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao của nước phát triển, đạt trình độ tiên tiến của thế giới.
Kế hoạch đề ra các nhiệm vụ, giải pháp: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và toàn xã hội về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của GNNN trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo việc làm bền vững cho người lao động và thế hệ trẻ trên địa bàn tỉnh; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của toàn xã hội về ý nghĩa của việc học nghề, kỹ năng nghề trong tiếp cận việc làm, nâng cao thu nhập và cơ hội học tập suốt đời.
Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cha mẹ học sinh, học sinh và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông nhằm tăng tỉ lệ học sinh trung học vào hệ thống GDNN.
Chú trọng các ngành, nghề, lĩnh vực đào tạo có thế mạnh gắn với nhu cầu thị trường lao động tại địa phương; ưu tiên đầu tư, định hướng phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng đối với những ngành nghề mũi nhọn, có triển vọng, theo xu hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa như: Cơ khí chính xác, Điện - điện tử, Dịch vụ logistic, Công nghệ bán dẫn... và các lĩnh vực khoa học công nghệ cao, liên quan đến công nghệ, tự động hóa, công nghệ sinh học nhằm cung cấp nguồn nhân lực phục vụ cho quá trình sản xuất kinh doanh của các nhà đầu tư chiến lược.
Sở Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tổ chức triển khai Kế hoạch; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, nghiên cứu đề xuất, bổ sung cơ chế, chính sách, chương trình, đề án, dự án về GDNN trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp xây dựng, tổ chức thực hiện các giải pháp đẩy mạnh công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và trung học phổ thông vào GDNN, đảm bảo đạt mục tiêu đề ra.
Kế hoạch số 125/KH-UBND