Tính hiệu quả của gói kích cầu của Chính phủ đã thu hút sự tập trung thảo luận và cho ý kiến của nhiều thành viên Chính phủ tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2009.
Biểu hiện cụ thể là, GDP trong quý I có tốc độ tăng trưởng 3,14%, sang quý II tăng 4,46%, quý III ước tăng 5,67% và quý IV dự báo tăng 6,8%, cả năm dự báo GDP tăng khoảng 5,2%, vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra; trong đó khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 19%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,4%, khu vực dịch vụ tăng 6,5%.
Chuyển biến rõ nét ở từng ngành, từng lĩnh vực
Nhờ tác động của gói kích cầu, trong từng ngành, từng lĩnh vực đều có chuyển biến rõ nét. Sản xuất công nghiệp phục hồi khá nhanh. Sau khi giảm sâu trong tháng 1 (-4,4%), ngành công nghiệp lấy lại tốc độ tăng trưởng trong các tháng tiếp theo và đến tháng 10 đã tăng 11,9% so với cùng kỳ 2008.
Đặc biệt, ngành xây dựng từ mức tăng trưởng âm 0,4% về giá trị tăng thêm trong năm 2008 đã tăng 6,9% trong quý I, tăng 9,8% trong quý II, tăng 11% trong quý III và dự kiến cả năm có thể đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 11% nhờ các biện pháp hỗ trợ lãi suất, kích cầu đầu tư.
Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản có bước phát triển khá. Giá trị sản suất toàn nghành nông, lâm, ngư nghiệp 9 tháng đầu năm tăng 2,6% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng lương thực vụ đông xuân vượt mức kỷ lục của năm trước (tăng 0,3%).
Với việc hỗ trợ lãi suất ở mức 4% năm, đã giúp cho doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, phục hồi sản xuất và hỗ trợ cho việc phát triển ổn định và an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng. Việc thực hiện các chính sách miễn, giảm, giãn thuế đã giảm bớt một phần khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, góp phần phục hồi và từng bước đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu, kích thích cầu đầu tư tiêu dùng.
Về thực hiện chính sách miễn, giảm, giãn thuế, theo thống kê, đến ngày 31/8/2009 đã có trên 125.500 lượt doanh nghiệp và khoảng 937.000 đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân được hưởng các ưu đãi về chính sách thuế, trong đó có trên 36.000 doanh nghiệp được giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp, 42.000 doanh nghiệp được giãn thuế thu nhập doanh nghiệp, 47.000 doanh nghiệp được giảm 50% thuế giá trị gia tăng…
Đặc biệt, trong điều kiện rất khó khăn của nền kinh tế do tác động của khủng hoảng và suy thoái kinh tế, việc thực hiện các chính sách an sinh xã hội, nhất là hướng vào công tác xóa đói, giảm nghèo; hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh đã được tiến hành sâu rộng; góp phần bảo đảm đời sống nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa… Qua đó, công tác xóa đói, giảm nghèo có nhiều chuyển biến quan trọng, theo tính toán, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2009 ước còn khoảng 11%, vượt kế hoạch đề ra.
Bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, một số thành viên Chính phủ cũng nêu lên một số hạn chế trong việc triển khai các chính sách kích thích kinh tế và bảo đảm an sinh xã hội như: Việc triển khai đồng thời nhiều cơ chế hỗ trợ lãi suất cùng với việc thực thi chính sách tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng có tác động làm tăng tổng phương tiện thanh toán và tín dụng ở mức khá cao… Ngoài ra, việc hỗ trợ lãi suất bằng VNĐ dẫn đến chuyển dịch từ vay ngoại tệ sang VNĐ để mua ngoại tệ nhằm giảm bớt rủi ro tỷ giá đã gây mất cân đối trên thị trường ngoại hối.
Điều chỉnh hợp lý về nội dung chính sách, phạm vi và mức độ hỗ trợ
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Võ Hồng Phúc và một số thành viên Chính phủ, trong thời gian tới, dự báo tình hình kinh tế và thương mại thế giới sẽ dần phục hồi trở lại, song vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.
Nền kinh tế nước ta trong năm 2010 tiếp tục phục hồi và sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn năm 2009, có thể lấy lại đà tăng trưởng như thời kỳ trước khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới.
Vì vậy, Chính phủ cần thiết phải có các giải pháp hỗ trợ tiếp theo trong năm 2010, nhưng phải có điều chỉnh hợp lý về nội dung chính sách, phạm vi và mức độ hỗ trợ nhằm đảm bảo phục hồi nền kinh tế một cách vững chắc, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tạo tiền đề tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tiếp theo.
Theo thông tin cập nhật tới thời điểm hiện tại, quy mô của gói kích thích kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội khoảng 122 nghìn tỷ đồng ( khoảng 6,9 tỷ USD). Ước thực hiện trong năm 2009 khoảng 100,6 nghìn tỷ đồng ( tương ứng với khoảng 5,7 tỷ USD). Số còn lại sẽ được sử dụng trong thời gian tới.
|
Theo Chinhphu.vn