Tham dự cùng Đoàn có ông Bùi Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành, TP.Tân Uyên.
Lãnh đạo tỉnh đã khảo sát nhà máy sản xuất gỗ của Công ty cổ phần Lâm Việt tại phường Khánh Bình, TP.Tân Uyên.




Lãnh đạo tỉnh khảo sát nhà máy sản xuất gỗ của Công ty cổ phần Lâm Việt
Công ty cổ phần gỗ Lâm Việt thành lập năm 2002, chuyên sản xuất, xuất khẩu nội, ngoại thất vào thị trường Anh, Mỹ, châu Âu. Công ty hiện có khoảng 800 nhân viên; doanh thu năm 2024 đạt 900 tỷ đồng; năng suất lao động khoảng 1,1 tỷ đồng/người/năm.
Ông Nguyễn Thanh Lam - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Lâm Việt cho biết, là một doanh nghiệp đã có nhiều năm làm việc với các thị trường "khó tính" trên thế giới, Công ty cổ phần Lâm Việt liên tục thích ứng với những yêu cầu ngày càng khắt khe từ phía đối tác. Chính vì vậy các danh mục liên quan đến chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, chuyển đổi tuần hoàn và chuyển đổi carbon được Công ty quan tâm đầu tư.
Công ty đã áp dụng hệ thống ERP trên từng công đoạn sản xuất, công khai nguồn gốc sản phẩm và cho phép truy xuất chính xác thông tin sản phẩm, nguồn gốc gỗ hợp pháp của Công ty trên từng bước sản xuất, tiêu thụ. Đồng thời xây dựng báo cáo kiểm kê khí nhà kính từ phần mềm. Ngoài ra, Công ty còn sử dụng phần mềm quản lý, bảo dưỡng, bảo trì máy móc thiết bị và phần mềm ứng lương tự động cho công nhân viên.
Giai đoạn 2025-2030, Công ty đã xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu khí thải 10% mỗi năm so với năm 2024.

Công ty đã áp dụng hệ thống ERP trên từng công đoạn sản xuất, cho phép truy xuất nguồn gốc sản phẩm
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh và các sở ngành, địa phương đã trao đổi, giải đáp một số kiến nghị của doanh nghiệp về các thủ tục gia hạn thời gian hoạt động; công tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; việc hình thành trung tâm nguyên liệu gỗ tại Bình Dương…

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đánh giá cao hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty cổ phần Lâm Việt, góp phần quan trọng vào sự phát triển của ngành gỗ của tỉnh và cả nước. Bí thư cho rằng, việc thực hiện tốt các hoạt động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, tự động hoá, chăm lo đời sống người lao động… đã giúp nâng cao năng suất lao động, đưa doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Bí thư yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở ngành triển khai các hoạt động cụ thể trong công tác chuyển đổi số, chuyển đổi xanh tại doanh nghiệp như thực hiện phần mềm quản lý các khu công nghiệp, chương trình kiểm soát tín chỉ carbon. Giao Sở Công Thương làm đầu mối phối hợp các sở ngành giải quyết các kiến nghị của Công ty liên quan đến việc gia hạn thời gian hoạt động, điện mặt trời, thành lập cụm công nghiệp, trung tâm nguyên liệu gỗ tại Bình Dương…