Tham dự có ông Nguyễn Lộc Hà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Bùi Minh Trí - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh.
Gắn kết giao thông vận tải đường sắt với phát triển đô thị
Kỳ họp đã xem xét, thông qua Đề án huy động nguồn lực thực hiện dự án Tuyến đường sắt đô thị số 1 (Thành phố Mới Bình Dương - Suối Tiên, TP.Hồ Chí Minh).
Ông Nguyễn Thanh Toàn - Giám đốc Sở Tài chính cho biết, Tuyến đường sắt đô thị số 1 phù hợp với quan điểm phát triển đường sắt trong điều chỉnh Chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Toàn cảnh Kỳ họp
Dự án nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông; gắn kết phát triển giao thông vận tải đường sắt với phát triển đô thị, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, hiện thực hóa chiến lược, quy hoạch phát triển hệ thống giao thông vận tải và hệ thống đường sắt, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung…
Dự án có điểm đầu tại Ga SI - Ga trung tâm Thành phố mới thuộc phường Hòa Phú, TP.Thủ Dầu Một, điểm cuối tại Ga Bến xe Suối Tiên (tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.Hồ Chí Minh) thuộc phường Bình Thắng, TP.Dĩ An.
Chiều dài tuyến chính 32,43km, đi qua 04 thành phố: Tân Uyên, Thủ Dầu Một, Thuận An và Dĩ An, có tốc độ thiết kế 120 km/h. Dự kiến có 19 nhà ga và 01 đề pô tại phường Phú Chánh, TP.Tân Uyên.


Đại biểu tham dự Kỳ họp
Hướng tuyến đi trên cao từ ga trung tâm Thành phố mới (kết nối với ga Bình Dương của tuyến đường sắt quốc gia TP.Hồ Chí Minh - Lộc Ninh), theo đường Hùng Vương đến giao với đường ĐX.01, đi theo đường ĐX.01 đến đường Mỹ Phước - Tân Vạn, qua nút giao Bình Chuẩn đi song song với đường sắt TP. Hồ Chí Minh - Lộc Ninh, Trảng Bom - Hòa Hưng đến ga Suối Tiên. Tuyến kết nối Thành phố Mới trung tâm tỉnh, TP.Thuận An, TP.Dĩ An với khu du lịch Suối Tiên, đồng thời cùng tuyến metro số 1 (Suối Tiên – Bến Thành) của TP.Hồ Chí Minh tạo thành tuyến đường sắt đô thị của vùng (Thành phố mới - Suối Tiên - Bến Thành).
Sơ bộ tổng mức đầu tư toàn tuyến dự án (phương án 1) khoảng 64.370 tỷ đồng. Dự kiến vốn ngân sách tỉnh: 28.109 tỷ đồng (44%); khai thác TOD: 23.387 tỷ đồng (36%); vốn Trung ương hỗ trợ: 12.874 tỷ đồng (20%).
Đối với phương án 2: đầu tư từ vòng xoay A1 đến Suối Tiên, chưa đầu tư đề-pô tại Tân Uyên mà dùng chung đề-pô Long Bình của TP. Hồ Chí Minh, sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 56.301 tỷ đồng. Dự kiến vốn ngân sách tỉnh: 21.654 tỷ đồng (39%); khai thác TOD: 23.387 tỷ đồng (41%); vốn Trung ương hỗ trợ: 11.260 tỷ đồng (20%).
Về lộ trình thực hiện, dự kiến trình Quốc hội vào tháng 5/2025. Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư dự án tháng 6-7/2025. Khởi công dự án năm 2027. Hoàn thành và vận hành năm 2031.
Xây dựng đường ven sông Sài Gòn
Kỳ họp cũng đã xem xét Quyết định chủ trương đầu tư Dự án Xây dựng đường ven sông Sài Gòn đoạn từ Quốc lộ 13 (gần rạch Vĩnh Bình) đến đường Vĩnh Phú 40.
Theo ông Nguyễn Anh Minh – Giám đốc Sở Xây dựng, TP.Thuận An nằm trong vùng kinh tế động lực và có vị trí địa lý rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương. Khu vực giáp sông Sài Gòn thuộc phường Vĩnh Phú, TP.Thuận An vẫn còn kém phát triển do hệ thống hạ tầng giao thông chưa thuận lợi, chưa tạo được động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và gia tăng tốc độ đô thị hóa cho khu vực.

Ông Võ Văn Minh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh thảo luận tại Kỳ họp
Vì vậy, rất cần một tuyến đường chỉnh trang đô thị đi xuyên qua khu vực này, kết nối các tuyến đường địa phương với mạng lưới đường tỉnh, đường Quốc lộ, kết nối trực tiếp giữa các khu vực trong thành phố để khai thác ưu thế của khu vực giáp ranh sông Sài Gòn và khơi dậy những tiềm năng vốn có của vùng. Đường ven sông Sài Gòn sẽ là một trong các tuyến đường giao thông trọng điểm kết nối vùng để góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Dự kiến tổng mức đầu tư dự án khoảng 4.942 tỷ 610 triệu đồng từ vốn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác, được chia thành 02 dự án thành phần. Dự án giải phóng mặt bằng đường ven sông Sài Gòn đoạn từ Quốc lộ 13 (gần rạch Vĩnh Bình) đến đường Vĩnh Phú 40 chuẩn bị đầu tư và thực hiện dự án trong giai đoạn 2025 - 2027. Dự án Xây dựng đường ven sông Sài Gòn đoạn từ Quốc lộ 13 (gần rạch Vĩnh Bình) đến đường Vĩnh Phú 40 với lộ trình chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2025 – 2026 và thực hiện dự án giai đoạn 2026 - 2030.


Đại biểu biểu quyết thông qua các Nghị quyết
Ngoài ra, Kỳ họp cũng đã xem xét thông qua các Nghị quyết: danh mục bổ sung các khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn tỉnh; điều chỉnh, bổ sung Nghị quyết số 47/NQ-HĐND ngày 10/12/2024 của HĐND tỉnh về Danh mục công trình, dự án phải thu hồi đất; dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2025 trên địa bàn tỉnh; thông qua Đồ án Quy hoạch chung xây dựng (tỷ lệ 1/5.000) Khu công nghiệp Bắc Tân Uyên 1 (Khu công nghiệp chuyên ngành cơ khí) tại xã Bình Mỹ, xã Tân Lập, huyện Bắc Tân Uyên và phường Hội Nghĩa, TP.Tân Uyên; thông qua Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị mới Tân Lập đến năm 2040 tại huyện Bắc Tân Uyên; Nhiệm vụ Quy hoạch chung đô thị mới Bình Mỹ đến năm 2040 tại huyện Bắc Tân Uyên; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án Giải phóng mặt bằng đường Thủ Biên - Đất Cuốc.

Ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu bế mạc Kỳ họp
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, ông Nguyễn Văn Lộc – Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh, các ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai với tinh thần chủ động, sáng tạo, đồng bộ các giải pháp để bảo đảm các Nghị quyết của HĐND tỉnh vừa được thông qua đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả thiết thực. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND, các Tổ đại biểu và đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực giám sát việc tổ chức thực hiện các Nghị quyết.