10 chiêu trò lừa đảo trực tuyến của tội phạm mạng
Chiêu trò lừa đảo từ thiện, quyên góp ủng hộ đồng bào vùng lũ lụt
Các đối tượng lừa đảo sử dụng hình ảnh, thông tin giống các trang chính thống để kêu gọi những người hảo tâm quyên góp, chuyển tiền vào tài khoản cá nhân để chiếm đoạt. Thậm chí, các đối tượng đánh vào sự quan tâm của người dân đối với tin tức liên quan đến tình hình bão lũ, các đối tượng đã phát tán thông tin giả mạo, tin tức sai sự thật trên các trang mạng xã hội về tình hình lũ lụt.
Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân trước khi quyên góp, ủng hộ, cần tìm hiểu kỹ về tổ chức kêu gọi, xác minh tính xác thực của thông tin được cung cấp. Quyên góp, ủng hộ tại các đơn vị có uy tín, minh bạch, đảm bảo sự đóng góp của mình thực sự có ý nghĩa.
Mạo danh cắt ghép hình ảnh của các bệnh viện để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Các đối tượng lừa đảo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo tên và hình ảnh của bác sĩ có uy tín hoặc danh tiếng trong lĩnh vực y tế. Các trang giả mạo này thường chia sẻ các bài viết liên quan đến sức khỏe, khám chữa bệnh, cung cấp các chứng chỉ, bằng cấp để thu hút sự chú ý và tạo niềm tin cho người theo dõi. Sau khi xây dựng lòng tin với người theo dõi, kẻ lừa đảo sẽ mời chào dịch vụ khám chữa bệnh trực tuyến với mức giá thấp hoặc ưu đãi đặc biệt. Sau khi nhận được tiền cọc hoặc thanh toán dịch vụ, đối tượng sẽ biến mất hoặc cung cấp thông tin y tế không chính xác, gây nguy hại cho sức khỏe người bệnh.
Khuyến cáo người dân tuyệt đối cẩn trọng trước các dịch vụ khám chữa bệnh, bán thuốc trên mạng xã hội. Trước khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, hãy kiểm tra kỹ thông tin về bác sĩ và cơ sở y tế, thực hiện xác minh qua website của các cơ quan y tế uy tín hoặc từ nguồn tin đáng tin cậy. Chỉ nên sử dụng các nền tảng khám chữa bệnh online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.
Chiêu trò lừa đảo đầu tư tài chính trên mạng xã hội
Các đối tượng thường lập ra các sàn chứng khoán, đầu tư tiền ảo giả mạo hoặc không được cấp phép hoạt động. Thậm chí, đối tượng còn giả danh là chuyên gia tài chính, chuyên viên chứng khoán hoặc đại diện của các công ty môi giới uy tín. Tiếp đó, đối tượng mời nạn nhân vào các nhóm đầu tư trên mạng xã hội (như Facebook, Telegram, Zalo…) và mời chào nạn nhân tham gia vào sàn mà đối tượng tạo ra. Ban đầu, đối tượng quảng cáo sàn giao dịch của mình với lời hứa lãi suất cao, thậm chí đưa ra các bằng chứng giả mạo về lợi nhuận từ các nhà đầu tư trước đó. Sau khi thu hút được số lượng lớn nhà đầu tư và nhận tiền, sàn giao dịch ảo sẽ đóng cửa hoặc biến mất, khiến nhà đầu tư mất sạch số tiền đã đầu tư.
Khuyến cáo người dân tuyệt đối không tham gia không tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch tiền ảo, tiền kỹ thuật số, website hay ứng dụng đầu tư tiền ảo. Kiểm tra giấy phép hoạt động và thông tin về sàn giao dịch. Chỉ nên giao dịch trên các sàn được cấp phép bởi cơ quan chức năng. Không chia sẻ thông tin cá nhân cho bất kỳ ai dưới mọi hình thức; Không tải về các ứng dụng không rõ nguồn gốc hoặc nhấp vào đường dẫn lạ.
Thông tin giả mạo liên quan đến việc xuất khẩu lao động
Các đối tượng thường mạo danh các công ty môi giới lao động hợp pháp bằng cách tạo website giả mạo hoặc cung cấp giấy tờ giả. Tinh vi hơn, các đối tượng còn tổ chức các buổi hội thảo, gặp gỡ tại các địa phương, hứa hẹn việc làm tại nước ngoài với mức thu nhập cao và điều kiện lao động tốt. Đối tượng đưa ra lời hứa hẹn về chi phí xuất khẩu lao động thấp hơn so với mức thông thường và thu nhập rất cao. Tiếp đó, đối tượng yêu cầu người lao động nộp một khoản tiền lớn để làm thủ tục hoặc chi phí đầu vào trước khi ký hợp đồng chính thức. Người lao động sau khi nộp tiền môi giới, chi phí hồ sơ sẽ không thể liên lạc lại với đối tượng lừa đảo hoặc được đưa sang nước ngoài với công việc, thu nhập khác xa so với lời hứa ban đầu.
Người lao động tuyệt đối không tin vào các quảng cáo hay lời mời hứa hẹn hấp dẫn nhưng thiếu cơ sở pháp lý. Thực hiện kiểm tra danh tính của các tổ chức, xác minh thông qua các trang web chính thức của cơ quan chức năng. Chỉ nên tham gia các chương trình xuất khẩu lao động thông qua các công ty được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp phép. Tuyệt đối không nộp bất kỳ khoản tiền nào trước khi ký kết hợp đồng lao động rõ ràng với các điều khoản về công việc, thu nhập, chi phí cụ thể.
Lừa đảo thông qua hình thức tặng quà 20/10
Thủ đoạn chung của các đối tượng này là thông báo cho nạn nhân qua tin nhắn, email, hoặc cuộc gọi đã trúng thưởng giải thưởng lớn dù không hề tham gia bất kỳ chương trình nào. Thêm vào đó, đối tượng sẽ lợi dụng tên tuổi của các tổ chức, công ty lớn để tạo lòng tin, như các nhãn hiệu điện thoại, xe hơi, hoặc các nhãn hàng nổi tiếng. Đối tượng lừa đảo sẽ yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân như số chứng minh nhân dân, số tài khoản ngân hàng, mật khẩu. Yêu cầu chuyển khoản một khoản tiền (phí vận chuyển, thuế) để nhận giải thưởng. Thậm chí, đối tượng còn tạo áp lực về thời gian, yêu cầu phải hành động ngay lập tức nếu không sẽ mất phần thưởng.
Người dân nên thận trọng và cảnh giác trước những tin nhắn, cuộc gọi thông báo trúng thưởng hoặc mời tham gia chương trình tri ân khách hàng miễn phí. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không truy cập vào các đường dẫn lạ. Tuyệt đối không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu, hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào.
Giả danh cảnh sát giao thông gửi thông báo phạt nguội
Thời gian qua, nhiều người dân bị một số đối tượng lừa đảo, giả danh Cảnh sát giao thông thông báo kết quả phạt nguội. Không nắm rõ quy trình xử lý của lực lượng chức năng, đã có người sập bẫy.
Thủ đoạn chung của các đối tượng này là tự xưng Cảnh sát giao thông thông báo hành vi vi phạm giao thông. Tuy nhiên, do đã quá thời hạn xử lý, đề nghị người vi phạm cung cấp số biên bản. Nếu người vi phạm chưa nhận được biên bản, các đối tượng giả danh này yêu cầu người vi phạm cung cấp một loạt thông tin như: tên, tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số hộ chiếu, số tài khoản ngân hàng… để lực lượng chức năng cung cấp số biên bản, hành vi vi phạm, hình thức xử lý, số tiền xử phạt. Sau đó, đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào tài khoản của đối tượng. Những người có tâm lý nhẹ dạ, không cảnh giác sẽ trở thành "con mồi" cho kẻ chiếm đoạt tài sản.
Khuyến cáo người dân nên tỉnh táo khi nhận phải các cuộc gọi và tin nhắn từ những đối tượng không rõ danh tính. Người dân cần chủ động tìm hiểu và kiểm tra, xác minh danh tính đối tượng bằng cách liên hệ qua các trang thông tin chính thống. Các trường hợp bị phạt nguội, Cảnh sát giao thông đều gửi thông báo yêu cầu chủ phương tiện hoặc người liên quan đến trụ sở cơ quan công an (nơi xảy ra vi phạm) để làm việc nên không có chuyện gọi điện, nhắn tin qua điện thoại thông báo vi phạm. Tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không truy cập vào các đường dẫn lạ.
Mời chào "làm nhiệm vụ online"
Các đối tượng thường tạo lập các tài khoản mạng xã hội giả mạo, tự xưng là nhân viên hỗ trợ, mạo danh các công ty uy tín. Đối tượng thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo hoặc Telegram để dẫn dụ và hướng dẫn nạn nhân tham gia vào các "dự án" hoặc nhiệm vụ nạp tiền nhận hoa hồng không có thật. Đôi khi đối tượng còn sử dụng chiến thuật gây áp lực, khẳng định rằng nếu không hành động ngay, người dùng sẽ mất một cơ hội lớn. Sau khi nạn nhân tin tưởng chuyển tiền, đến một số tiền lớn nhất định, đối tượng sẽ đưa ra hàng loạt các lý do để nạn nhân không thể rút được tiền ra và chặn toàn bộ liên lạc.
Người dân cần đề cao cảnh giác trước các lời hứa hẹn về thu nhập cao, việc làm dễ dàng không cần bằng cấp. Thực hiện xác minh thông tin từ các nguồn chính thức, không tin tưởng vào những thông báo hoặc kênh thông tin không rõ ràng. Không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu cho bất kỳ ai. Thiết lập xác thực hai yếu tố cho tài khoản trực tuyến và cập nhật mật khẩu thường xuyên.
Giả mạo ứng dụng ngân hàng nhằm chiếm quyền điều khiển thiết bị
Lợi dụng công nghệ, các đối tượng lừa đảo đã dùng app ngân hàng giả, tạo hóa đơn chuyển tiền giả để chiếm đoạt tài sản.
Thủ đoạn chung của đối tượng lừa đảo chiêu trò trên thường là tạo lập các trang web, ứng dụng, trang mạng xã hội mạo danh tổ chức ngân hàng và các tổ chức tài chính, đơn vị trung gian thanh toán. Sau đó, tiếp cận nạn nhân bằng nhiều hình thức (chạy quảng cáo, phát tán tin nhắn mạo danh ngân hàng hoặc mạo danh nhân viên ngân hàng gọi điện thoại cho nạn nhân…) nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của người dùng và thực hiện kịch bản lừa đảo. Kịch bản lừa đảo của đối tượng thường liên tục thay đổi để đối phó với việc cơ quan chức năng thường xuyên tuyên truyền cảnh báo người dân như: mời nâng cấp thẻ tín dụng; vay tiền trực tuyến với thủ tục dễ dàng, lãi suất thấp; thông báo tài khoản ngân hàng phát sinh giao dịch đáng ngờ; hướng dẫn cập nhật sinh trắc học, thông tin tài khoản… Sau đó các đối tượng thao túng và yêu cầu nạn nhân làm theo yêu cầu cung cấp thông tin đăng nhập, mật khẩu và đặc biệt là mã OTP xác thực.
Đáng chú ý là hiện tượng dẫn dụ nạn nhân cài đặt app giả mạo trên điện thoại. Các ứng dụng này có chứa mã độc và chiếm quyền điều khiển điện thoại để đánh cắp thông tin rồi thực hiện việc chuyển tiền trực tuyến để chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Khuyến cáo người dân tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho các đối tượng lạ. Không cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm dưới bất kỳ hình thức nào. Không truy cập vào các đường dẫn lạ. Tuyệt đối không chia sẻ số tài khoản ngân hàng, mã OTP, mật khẩu, hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào.
Giả mạo công ty điện lực
Các đối tượng tự nhận là nhân viên làm việc tại công ty điện lực, gửi hóa đơn thanh toán trễ hạn bao gồm thông tin và địa chỉ nhà của nạn nhân thông qua Email, yêu cầu truy cập vào đường dẫn để tiến hành các thủ tục thanh toán. Để tăng tính thuyết phục, các đối tượng đính kèm số điện thoại phía cuối tin nhắn, dụ dỗ nạn nhân gọi điện để xác thực và giải quyết những khúc mắc. Sau khi nạn nhân thực hiện cuộc gọi, các đối tượng sử dụng giọng điệu cấp bách, khẩn trương, nói rằng nguồn điện nơi nạn nhân sinh sống sẽ bị ngắt trong vài giờ tới, yêu cầu nhanh chóng thanh toán khoản nợ. Để thanh toán một cách thuận tiện và nhanh chóng, các đối tượng yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin về nơi đăng ký tài khoản ngân hàng, sau đó gửi đường dẫn và khuyến khích nạn nhân truy cập bằng thiết bị điện thoại có cài sẵn ứng dụng ngân hàng trực tuyến. Sau khi truy cập, đường dẫn sẽ tự động chuyển hướng tới màn hình giao dịch, yêu cầu nạn nhân xác nhận để hoàn tất thành toán.
Khuyến cáo người dân cẩn thận xác minh kỹ thông tin, danh tính của người gửi Email, đơn vị công tác thông qua số điện thoại hoặc cổng thông tin chính thống. Tuyệt đối không truy cập vào đường dẫn lạ, không thực hiện các giao dịch chuyển tiền vào tài khoản đáng ngờ khi chưa xác thực được thông tin.
Các hội nhóm "tư vấn sức khỏe" trên mạng xã hội
Thủ đoạn chung của các đối tượng trên là tạo lập các Fanpage, hội nhóm trên mạng xã hội hoặc gọi điện nhằm lôi kéo nạn nhân tham gia. Ban đầu, các đối tượng mời tham gia vào các hội nhóm rồi gọi điện tư vấn mua thuốc đông y để chữa bệnh cùng chương trình khuyến mãi hấp dẫn, như được dùng thuốc miễn phí trong 5 năm và được bảo hiểm hoàn trả 80% tiền thuốc đã điều trị. Tại đây, các đối tượng sẽ chia sẻ trao đổi những thông tin, video clip có sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế để mô tả tư vấn và hướng dẫn sử dụng các thực phẩm hoặc mô tả công dụng thực phẩm giống như một kinh nghiệm thực tế hay nhân chứng sống của người đã từng bị bệnh để tăng thêm sức thuyết phục. Với tình trạng bệnh đã chữa trị lâu năm nhưng không khỏi và những lời mời có cánh trên mạng, các nạn nhân này đã bị đối tượng lừa đảo hàng triệu đồng. Sau khi nhận được tiền, kẻ lừa đảo liền mất liên lạc.
Trước khi sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh, người dân hãy kiểm tra kỹ thông tin về bác sĩ và cơ sở y tế. Nếu có nhu cầu khám chữa bệnh, hãy đến các bệnh viện hoặc cơ sở y tế có uy tín, được cơ quan chức năng cấp phép để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, người dân chỉ nên sử dụng các nền tảng khám chữa bệnh online chính thống, được cấp phép và có hệ thống kiểm tra danh tính bác sĩ rõ ràng.
Trong trường hợp nghi ngờ
bản thân bị lừa đảo, người dân cần ngay lập tức báo cáo cho cơ quan chức năng để
được hỗ trợ, giải quyết và ngăn chặn kịp thời.