Tham dự có bà Phan Thị Thắng - Thứ trưởng Bộ Công Thương; ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Dương cùng 200 đại biểu là lãnh đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố (Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tiền Giang); lãnh đạo các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương, hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại.
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết, trong 08 tháng đầu năm 2024, dù đối mặt với nhiều khó khăn, Bình Dương vẫn đạt được những thành tựu kinh tế đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,19%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10,3% so với cung kỳ năm 2023. Các ngành hàng chủ lực như gỗ, dệt may, da giày đều có sự phục hồi mạnh mẽ.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Tuy nhiên, trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng phức tạp, các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) ngày càng được sử dụng nhiều hơn, đặt ra những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp xuất khẩu, trong đó có Bình Dương - địa phương có nhiều khu công nghiệp và doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu hàng đầu Việt Nam.
Bình Dương đã triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với PVTM. Đặc biệt quan tâm đến công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, đào tạo, nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan quản lý.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo
Chia sẻ thêm về công tác hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài, ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Dương cho biết, Sở đã phối hợp chặt chẽ với Cục PVTM, Bộ Công Thương triển khai một cách kịp thời, đồng bộ các hoạt động, hỗ trợ ứng phó với nhiều vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài. Tổ chức tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực PVTM cho các ngành sản xuất trong tỉnh, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng và cơ quan quản lý Nhà nước. Việc phối hợp cung cấp thông tin, tài liệu của Sở đã giúp bảo vệ tốt các thị trường xuất khẩu.
Ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ về công tác phối hợp PVTM
Sở kiến nghị các đơn vị của Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp sát sao để hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của tỉnh Bình Dương nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm đối với các mặt hàng thế mạnh của tỉnh Bình Dương; tạo điều kiện xúc tiến thương mại ra nhiều thị trường mới để giúp đa dạng hóa thị trường, đặc biệt là các thị trường có sự tương đồng về mức độ phát triển kinh tế tại một số nước châu Á, châu Phi, châu Đại Dương…
Bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết, việc đẩy mạnh mở rộng xuất khẩu tại châu Á, châu Phi và châu Đại Dương không chỉ là một cơ hội lớn mà còn là thách thức đối với nền kinh tế của Việt Nam. Mặc dù thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường này có nhiều khởi sắc và dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn, song cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế không nhỏ chờ đón doanh nghiệp.
Bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo
Một trong những thách thức lớn nhất là quan điểm bảo hộ, tạo ra các rào cản của các nước, vùng lãnh thổ nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế được hình thành và phát triển cùng với sự phát triển của quá trình tự do hóa thương mại và xu hướng mở cửa nền kinh tế của các quốc gia. Bên cạnh mặt tích cực của tự do hóa thương mại và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, vẫn tồn tại các hoạt động đơn phương, trừng phạt, đối trọng, tạo sự kiềm chế… trong chính trị, kinh tế thương mại và các hoạt động này có xu hướng ngày càng trở nên phổ biến.
Trong số các biện pháp bảo hộ đó, PVTM nổi lên là một trong các công cụ hợp pháp, hữu hiệu và được nhiều thành viên WTO sử dụng. Do xuất khẩu nhiều sang thị trường Á - Phi và châu Đại Dương, Việt Nam phải đối mặt với các vụ việc về PVTM tại các thị trường này.
Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu
Tại Hội thảo, đại biểu đã được các chuyên gia đến từ Bộ Công Thương chia sẻ về tình hình thị trường, cơ hội và thách thức thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng sang thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương; tình hình điều tra, áp dụng và ứng phó các biện pháp PVTM của các nước nói trên, kinh nghiệm phối hợp của các cơ quan quản lý địa phương trong các vụ việc PVTM, kinh nghiệm phối hợp, ứng phó của các Hiệp hội, doanh nghiệp trong các vụ việc PVTM.
Ông Đỗ Quốc Hưng - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương cho rằng, thị trường Á - Phi vẫn còn nhiều tiềm năng, dư địa do đó các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp Bình Dương cần sớm tận dụng để tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại cũng như đẩy mạnh xuất khẩu, khai thác, đưa các mặt hàng chủ lực của tỉnh đến với thị trường tiềm năng này.
Ông Đỗ Quốc Hưng - Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi, Bộ Công Thương chia sẻ về tình hình thị trường, cơ hội và thách thức thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng tiềm năng sang thị trường châu Á, châu Phi và châu Đại Dương
Đối với thị trường xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ, bên cạnh Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Hoa Kỳ); trong 8 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ sang Nhật Bản đạt 1,1 tỷ đô la Mỹ, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm 2023. Nhật Bản có xu hướng hạn chế sản xuất trong nước, tăng cường nhập khẩu các sản phẩm gỗ, đây sẽ là cơ hội cho Việt Nam và Bình Dương gia tăng thị trường sang Nhật Bản. Ngoài ra, còn có những thị trường tiềm năng như Ấn Độ và các nước Tây Á hiện đang phát triển rất mạnh về xây dựng nhà ở; nhập khẩu đồ nội thất tại các nước thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) có mức tăng trưởng hơn 45%/năm. Bên cạnh đó các nước Trung Đông đang là điểm đến đầu tư với nhiều dự án bất động sản...
Về thị trường hàng dệt may, năm 2023, Nhật Bản là thị trường lớn nhất thế giới tiêu thụ hàng dệt may (trị giá khoảng 105 tỷ đô la Mỹ). Nhập khẩu hàng dệt may chiếm 95% nguồn cung của thị trường Nhật Bản, trong khi mức sản xuất trong nước chỉ chiếm khoảng 30% tổng lượng tiêu thụ của thị trường nội địa. Châu Phi cũng là thị trường xuất khẩu tiềm năng với quy mô dân số 1,4 tỷ dân trong khi sản xuất nội khối chưa phát triển. Hiện nay, giá trị xuất khẩu hàng dệt may sang châu Phi của Việt Nam còn khiêm tốn (86 triệu đô la Mỹ trong 8 tháng đầu năm 2024). Chính vì vậy, ngành dệt may Bình Dương có thể tìm kiếm cơ hội xuất khẩu ở các thị trường này.
Theo ông Hưng, khối lượng thương mại hàng hóa thế giới dự báo tăng 2,6% trong năm 2024 và 3,3% trong năm 2025. Nhu cầu đối với hàng hóa sản xuất sẽ phục hồi khi áp lực lạm phát giảm bớt và thu nhập thực tế được cải thiện. Dự báo hoạt động xuất, nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với các nước Á - Phi sẽ có những tín hiệu tăng trưởng tích cực mặc dù còn gặp nhiều khó khăn trong năm 2025.
Để mở rộng thị trường xuất khẩu và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam, ông đề nghị Bình Dương và các địa phương cần đẩy mạnh xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng; phối hợp tổ chức chương trình kết nối giao thương. Riêng các doanh nghiệp chủ động nắm bắt nhu cầu của thị trường về tiêu chuẩn, kỹ thuật, hồ sơ… đặc biệt lưu ý xu hướng thị hiếu tiêu dùng xanh, tiêu dùng sạch; áp dụng chiến lược quảng bá xây dựng thương hiệu theo phân khúc thị trường phù hợp; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, bảo quản, đóng gói sản phẩm; đa dạng hóa các hình thức tiếp cận thị trường.
Bà Trương Thùy Linh – Phó Cục trưởng Cục PVTM đưa ra những kiến
nghị các hiệp hội và doanh nghiệp Nhằm xử lý hiệu quả các biện pháp PVTM
Nhằm xử lý hiệu quả các biện pháp PVTM, bà Trương Thùy Linh – Phó Cục trưởng Cục PVTM kiến nghị các hiệp hội và doanh nghiệp cân nhắc các rủi ro về PVTM để xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu hợp lý; tăng cường cạnh tranh bằng chất lượng, hạn chế việc cạnh tranh bằng giá. Hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống sổ sách kế toán. Xây dựng chiến lược xuất khẩu đa dạng thị trường và tránh phát triển quá "nóng" vào một thị trường. Theo dõi thông tin cảnh báo của Bộ Công Thương. Trang bị kiến thức về pháp luật PVTM. Tuân thủ chặt chẽ các quy định về chứng nhận xuất xứ, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, lẩn tránh biện pháp PVTM. Nghiên cứu, hiểu về các nguyên tắc, quy trình, thủ tục điều tra PVTM. Xây dựng chiến lược kháng kiện rõ ràng, thống nhất…