Nhân dịp này, Cổng Thông tin điện tử Bình Dương đã có cuộc phỏng vấn TS.Hà Thúc Viên – Phó Hiệu trưởng VGU về những định hướng sắp tới của Trường.
Cổng TTĐT: VGU được thành lập và chính thức đi vào hoạt động từ năm 2008. Xin ông cho biết, “cơ duyên” nào đã đưa Trường về Bình Dương và định hướng phát triển của Nhà trường? So với các trường đào tạo khác thì VGU có điểm gì khác biệt?
TS.Hà Thúc Viên: Ý tưởng thành lập VGU khởi nguồn vào cuối năm 2005, là bước triển khai cụ thể thực hiện Nghị quyết số 14/2005/NQ-CP ngày 02/11/2005 của Chính phủ về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học Việt Nam giai đoạn 2006-2020 và Quyết định số 145/2006/QĐ-TTg ngày 20/6/2006 của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương và những định hướng lớn xây dựng trường đại học đẳng cấp quốc tế (đại học xuất sắc) của Việt Nam. Ngày 01/9/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1196/QĐ-TTg thành lập VGU trên cơ sở "Ý định thư" ký ngày 21/05/2007 và "Tuyên bố chung về việc thành lập trường Đại học Việt Đức" ký ngày 29/02/2008 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam và Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen, Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức. Ngày 10/9/2008, Trường chính thức khai trương và khai giảng khóa đầu tiên với 35 sinh viên chương trình đào tạo cử nhân ngành Kỹ thuật điện và Công nghệ thông tin, hoạt động giảng dạy của Trường được bắt đầu chỉ vài ngày sau đó. Dự án hợp tác đã được mở rộng ra phạm vi toàn nước Đức. Các đối tác chính tham gia hỗ trợ VGU gồm có Bộ Khoa học và Nghệ thuật bang Hessen, Bộ Giáo dục và Nghiên cứu Liên bang Đức (BMBF). Bên cạnh đó, Cơ quan Phát triển Hàn lâm Đức (DAAD), Tổ chức Đại học Thế giới (WUS) và Hiệp hội các trường đại học Đức hỗ trợ VGU tham gia vào hỗ trợ triển khai hợp tác.
Là trường đại học công lập, nhưng VGU được hình thành và phát triển theo mô hình các đại học nghiên cứu hàng đầu của CHLB Đức, lấy sự xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu, với tiêu chuẩn quốc tế và chất lượng Đức, làm nền tảng. Các chương trình đào tạo của Trường được xây dựng và phát triển trên cơ sở hợp tác với các đại học đối tác hàng đầu của Đức, đảm bảo sự xuất sắc trong đào tạo và nghiên cứu. Trong giai đoạn đầu phát triển VGU tập trung vào đào tạo và nghiên cứu các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật công nghệ cao, công nghệ thông, kiến trúc, kinh tế và quản lý thuộc thế mạnh đào tạo và nghiên cứu của CHLB Đức và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực để phục vụ cho mục tiêu công nghiệp hóa và hiện đại hóa của Việt Nam.
So với các trường đại học khác, VGU có những đặc trưng: Thứ nhất, là trường đại học quốc tế công lập đầu tiên của Việt Nam có sứ mạng thử nghiệm một mô hình quản trị mới dựa trên mô hình quản trị của các đại học hàng đầu ở Đức, nhằm đào tạo và nghiên cứu đạt trình độ quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam với tiêu chuẩn chất lượng Đức ngay từ những ngày đầu thành lập, để làm mô hình kiểu mẫu cho hệ thống giáo dục đại học Việt Nam.
Thứ hai, Hiệp hội 36 đại học hàng đầu của Đức hỗ trợ học thuật để VGU tổ chức đào tạo đạt chất lượng quốc tế ngay từ khóa tuyển sinh đầu tiên và luôn cải tiến chất lượng.
Thứ ba, tất cả các chương trình đào tạo, tất cả giảng viên phải đáp ứng tiêu chuẩn của các đại học có uy tín ở Đức. Sinh viên tốt nghiệp của trường, tuy học tập ở Việt Nam song được cả VGU và một đại học ở Đức cấp văn bằng.
Thứ tư, chương trình giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, ngoài ra tất cả sinh viên được học thêm tiếng Đức.
Thứ năm, Hội đồng trường gồm 20 thành viên; trong đó 10 thành viên là người Việt Nam và 10 thành viên là người Đức, bao gồm các Bộ trưởng, Thứ trưởng, đại diện các doanh nghiệp hàng đầu, các nhà khoa học có uy tín của hai nước.
Thứ sáu, cơ cấu VGU còn bao gồm Hội đồng nội trị - tổ chức đặc biệt mà không một trường đại học Việt Nam nào khác có. Đây là một điểm đặc trưng của tất cả các đại học của Đức, đảm bảo phát huy tính dân chủ, tự chủ của trường, góp phần kiểm soát và giám sát quá trình ra quyết định.
Cổng TTĐT: Vậy, hơn 14 năm đi vào hoạt động, VGU đã đạt được những kết quả nổi bật gì thưa ông?
TS.Hà Thúc Viên: Trong hơn 14 năm qua, VGU hợp tác với Hiệp hội gồm 36 đại học hàng đầu của CHLB Đức triển khai 16 chương trình đào tạo trong tổng số 24 chương trình đào tạo dự kiến mở đến năm 2025 (gồm 7 chương trình đào tạo trình độ đại học và 9 chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ) tuân theo nguyên tắc của Quy trình Bologna, với tổng số 3.800 sinh viên và học viên đã và đang được đào tạo, thuộc 6 khối ngành: Kỹ thuật Điện, Điện tử và Máy tính; Kỹ thuật cơ khí và Quy trình sản xuất; Kỹ thuật xây dựng, Kiến trúc và Phát triển đô thị bền vững; Kỹ thuật Môi trường; Khoa học máy tính; Kinh tế và Quản trị. Đây là các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và quản trị tiên tiến, là thế mạnh của CHLB Đức. Tổng số sinh viên hiện tại của Trường là 2.477 trong đó gồm 1.897 sinh viên đại học và 550 học viên cao học. Bên cạnh sinh viên Việt Nam, có 4,6% sinh viên quốc tế đến từ 20 quốc gia trên thế giới theo học ở Trường; khoảng 40% sinh viên VGU đã theo học học kỳ cuối tại các đại học Đức bằng các suất học bổng của DAAD, WUS, hiệp hội và các doanh nghiệp. Toàn bộ chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và sinh viên được đào tạo thêm tiếng Đức.
Toàn bộ các chương trình đào tạo đang được triển khai ở Trường hiện nay đều được kiểm định bởi các cơ quan kiểm định có uy tín của Đức hoặc quốc tế (ASIIN, ACQUIN, AASCSB, ZeVA và áp dụng tiêu chuẩn kiểm định Châu Âu – European Standards and Guidelines). Sinh viên, học viên tốt nghiệp được cấp văn bằng của đại học đối tác Đức và của Trường.
Đến nay đã có 1.348 sinh viên, học viên của Trường đã tốt nghiệp, trong đó có 757 cử nhân và 591 thạc sĩ. Trên 95% sinh viên tốt nghiệp có việc làm với vị trí công việc tốt, phù hợp với ngành nghề đào tạo hoặc tiếp tục học lên bậc cao hơn (thạc sĩ hoặc tiến sĩ); sinh viên tốt nghiệp của Trường được cộng đồng doanh nghiệp Đức đánh giá là có chất lượng tốt nhất Việt Nam.
Hoạt động nghiên cứu khoa học của Trường luôn được quan tâm chú trọng. Hàng năm, giảng viên của Trường triển khai thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu với tổng ngân sách hàng chục tỷ đồng. Nghiên cứu theo yêu cầu doanh nghiệp cũng được nhà trường đẩy mạnh với tổng ngân sách hàng trăm nghìn đô la.
Kể từ năm 2014, 108 dự án đã được thực hiện và 373 bài báo học thuật được công bố (trong đó có 274 xuất bản trên các tạp chí uy tín thuộc hệ ISI/Scopus. Trung bình hàng năm mỗi giảng viên xuất bản 1,4-1,6 bài báo khoa học trên các tạp chí hàng đầu ISI/SCOPUS, nằm trong top 5 so với các trường đại học ở Việt Nam). Cán bộ và giảng viên Trường đã tham gia 270 hội thảo và hội nghị quốc tế và 70 hội thảo trong nước để trình bày các nghiên cứu, 92 sự kiện học thuật của VGU và 33 dự án nghiên cứu hợp tác quốc tế và phát triển mạng lưới hợp tác học thuật rộng với nhiều trường, viện trong nước và trên thế giới. Theo đánh giá của webometrics gần đây xếp hạng năng lực nghiên cứu của các trường đại học Việt Nam dựa trên trích dẫn, Trường được xếp thứ 11.
Cùng với đó, sinh viên của Trường đạt nhiều thành tích xuất sắc trong các cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc tham gia nhiều cuộc thi cho sinh viên ở nhiều cấp (quy mô nhà trường, tỉnh, Bộ, toàn quốc và quốc tế), có 46 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên đã và đang được triển khai thực hiện.
Nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu và đào tạo các nhà khoa học trẻ, tiềm năng, Trường hợp tác với các đại học Đức triển khai đào tạo tiến sĩ thuộc 3 lĩnh vực: Công nghệ thông tin và Khoa học máy tính, Phát triển đô thị bền vững và Tính toán kỹ thuật từ năm 2018. Hiện nay nhà trường đang trình Hội đồng trường phê duyệt mở đào tạo tiến sĩ lĩnh vực Kỹ thuật sản xuất bền vững.
Cổng TTĐT: Việc khánh thành đưa vào sử dụng khuôn viên mới của Trường có ý nghĩa quan trọng như thế nào trong định hướng phát triển và đào tạo của Trường, thưa ông?
TS.Hà Thúc Viên: Khuôn viên mới được xây dựng hiện đại với công năng đảm bảo điều kiện cho một đại học định hướng nghiên cứu theo tiêu chuẩn Đức và quốc tế, mang đến một môi trường học tập, giảng dạy, nghiên cứu và làm việc lý tưởng cho sinh viên, đội ngũ cán bộ, giảng viên và nhân viên. Thoát ly khỏi ý tưởng "tòa nhà đại học" với hình ảnh một kiến trúc lớn, khuôn viên VGU tiếp cận không gian đại học theo hướng nhiều tòa nhà khác biệt với nhau tạo thành một khuôn viên chung đa dạng và hợp lý. Tổng diện tích khuôn viên VGU rộng 50,5 hecta và 154.000m2 sàn xây dựng được đầu tư gần 200 triệu đô la Mỹ. Khuôn viên VGU đem đến một hệ sinh thái đô thị đại học bao gồm đầy đủ khu chức năng như tòa nhà học thuật được thiết kế cùng chung kiểu mẫu, chỉ khác nhau về kích thước và màu sắc, theo hướng đơn giản trang trọng; các công trình khác có Thư viện, Hội trường, Nhà điều hành, Trung tâm thể thao, Trung tâm kỹ thuật, Nhà ăn, Ký túc xá dành cho sinh viên và học viên, cùng khu nhà ở cho chuyên gia và giảng viên… đều mang dấu ấn riêng và nổi bật lên giữa khuôn viên. Bên cạnh đó, mỗi tòa nhà đều sử dụng hệ thống làm mát thụ động nhờ lợi dụng đặc điểm thiết kế, giảm phát thải và tiết kiệm năng lượng, giúp tiết kiệm chi phí vận hành và bảo trì đồng thời tăng cường sức khỏe cho người sử dụng.
Là một trường đại học định hướng nghiên cứu theo tiêu chuẩn học thuật của Đức, VGU đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng cao để cung cấp một môi trường học tập tuyệt vời và tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động nghiên cứu khoa học với tổng vốn đầu tư hơn 33 triệu đô la Mỹ. Trường hiện có một hệ thống hơn 21 phòng thí nghiệm chuyên sâu, cùng vô số các phòng lab chung và phòng lab máy tính để phục vụ cho việc giảng dạy và nghiên cứu của sinh viên, giảng viên, nghiên cứu viên. Thiết bị thí nghiệm và giảng dạy, các cơ sở nghiên cứu vẫn đang được mở rộng hơn nữa để đáp ứng sự phát triển về số lượng lẫn chất lượng của nhà trường.
Việc khánh thành và đưa vào sử dụng Công trình khuôn viên mới đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của Nhà trường và kiến tạo những bước đột phá mới trong quan hệ đối tác học thuật giữa châu Á và châu Âu. Lễ khánh thành và đưa công trình vào sử dụng chính là minh chứng cho hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB), cũng như mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và CHLB Đức.
Trong giai đoạn 2021-2030, Trường tập trung vào các nhiệm vụ có tính chiến lược:
Làm sắc nét – cụ thể hóa tính độc đáo của VGU là một đại học dựa trên nền tảng hợp tác giáo dục đại học xuyên quốc gia kết hợp sáng tạo giữa tính chất Đức và các nhiệm vụ cụ thể của VGU; ngoài ra, nâng cao và tăng cường quảng bá hình ảnh của VGU. Phấn đấu tăng số lượng chương trình đào tạo và tăng gấp 3 lần số lượng sinh viên, học viên, đạt quy mô 6.000 sinh viên, học viên vào năm 2030. Xây dựng hệ thống kiểm định hoàn chỉnh, chuyển giao các chương trình đào tạo từ các đối tác Đức cho VGU, tái kiểm định quốc tế chương trình sau khi được chuyển giao, phát triển mô hình bằng đôi và cùng cấp bằng.
Thực hiện các bước hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ học thuật.
Đẩy mạnh phát triển đào tạo tiến sĩ và hợp tác chặt chẽ với các đại học Đức theo nhiều hình thức và đảm bảo chất lượng Đức.
Tăng cường các hoạt động nghiên cứu và các hoạt động liên quan đến nghiên cứu.
Tăng hiệu quả của hệ thống quản trị hiện hành và thiết lập hệ thống cố vấn học thuật.
Đưa tổ chức nội bộ của VGU từ "tạm thời" sang hệ thống "hoàn chỉnh" về mặt số lượng đơn vị, hệ thống quản lý và quy định. Điều này cần bao gồm một hệ thống chi tiết quản lý chất lượng.
Đảm bảo hệ thống tài chính vững vàng của VGU.
Thiết lập nền tảng cho hoạch định chiến lược phát triển trung và dài hạn, đặc biệt liên quan đến hệ thống quản trị và tài chính, tăng đáng kể số lượng sinh viên và các chương trình đào tạo, và củng cố VGU theo hướng là trường đại học thiên về nghiên cứu chất lượng cao có danh tiếng quốc tế.
Cổng
TTĐT: Nằm trên địa bàn trọng điểm về phát triển công nghiệp của vùng
Đông Nam bộ, VGU đào tạo kỹ thuật công nghệ tiên tiến theo chuẩn của
Đức. Vậy trong thời gian tới, VGU có định hướng gì để tham gia vào quá
trình chuyển đổi cơ cấu nền công nghiệp và kinh tế của vùng Đông Nam bộ
nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng theo như tinh thần Nghị quyết số
24 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045?
TS.Hà Thúc Viên: Đức là quốc gia đi tiên phong trong việc khởi xướng, phát triển và áp dụng công nghiệp 4.0, mở ra một kỷ nguyên phát triển mới. Ý tưởng và cụm từ Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng do các chuyên gia Đức đưa ra và ngày nay được sử dụng rộng rãi trên toàn cầu. Dự án đầu tư xây dựng VGU được bắt đầu thực hiện khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần 4 đang diễn ra mạnh mẽ, nên định hướng xây dựng và phát triển của VGU ngay từ những ngày đầu đã gắn với những diễn biến và định hướng của công nghiệp 4.0 tập trung vào các lĩnh công nghệ cao, công nghệ mới, kinh tế học hiện đại và phát triển bền vững.
Đào tạo và nghiên cứu tại VGU tiếp cận một cách nguyên bản và toàn vẹn các chương trình đào tạo tiên tiến do các trường đại học hàng đầu của Đức phát triển trong bối cảnh của sự ra đời của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và được cập nhật thường xuyên khoa học công nghệ mới. Chương trình đã được lồng ghép và bổ sung các kỹ năng mới cần thiết cho sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể đáp ứng với nhu cầu phát triển của các ngành nghề chuyên môn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. VGU đã xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại đáp ứng với sự chuyển đối số trong mọi lĩnh vực từ quản lý cơ sở hạ tầng đến quản lý nhân sự, tài chính, kế hoạch hoạt động và phát triển của Trường.
VGU đã xây dựng các phòng thí nghiệm hiện đại phục vụ cho nghiên cứu và đào tạo để sẵn sàng đáp ứng cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, điển hình như: Nền tảng công nghệ IPC, Gateway, Server, smart sensors; Data Center; Công nghệ in 3D kim loại; IoT, Smart Factory; BIM; Robot cộng tác; thực tế ảo tăng cường... để phục nghiên cứu, đào tạo và thực hành những chương trình đào tạo với đòi hỏi cao về nội dung kiến thức và kỹ năng mới.
VGU ưu tiên mở các chương trình mới nhằm phục vụ cho nhu cầu nhân lực hiện tại và trong tương lai của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như IT security, Smart Mobility, Data Science, IoT and AI.
Chúng tôi tự tin hoạt động đào tạo và nghiên cứu của VGU sẽ tích cực đóng góp nhân lực và kết quả khoa học công nghệ cho quá trình chuyển đổi số nền kinh tế vùng Đông Nam bộ nói chung và tỉnh Bình Dương nói riêng.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Nội dung: Mai Xuân
Thiết kế: Thảo Lam