Nền kinh tế phục hồi nhanh sau đại dịch
Tại Phiên toàn thể với chủ đề "Ấn Độ - Việt Nam và triển vọng kinh tế thế giới", các chuyên gia nhận định, sau đại dịch Covid-19, nền kinh tế Ấn Độ và Việt Nam có sự phục hồi nhanh, là một trong những điểm sáng trong triển vọng kinh tế toàn cầu ảm đạm.
Đi sâu vào phân tích, các chuyên gia cho rằng Việt Nam đã thực hiện một số bước để đẩy nhanh hội nhập vào thị trường toàn cầu như ký kết Hiệp định Thương mại Tự do với châu Âu vào năm 2019. Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) RCEP và Hiệp định Thương mại Tự do Ấn Độ-ASEAN. Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến ưa thích của các công ty sản xuất Nhật Bản.
Các chuyên gia thảo luận tại phiên toàn thể
Điểm tương đồng giữa Việt Nam và Ấn Độ đều có chính sách cải cách kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ, kiểm soát tốt lạm phát; tăng trưởng kinh tế cao. Dự đoán trong thời gian tới nền kinh tế thế giới sẽ gặp nhiều khó khăn do sự xung đột giữa các nước trên thế giới.Để Ấn Độ và Việt Nam có thể duy trì đà phục hồi bên cạnh việc tận dụng thời cơ từ chuyển dịch của các nhà đầu tư tại Trung Quốc, hai nước cũng cần tăng cường liên kết hỗ trợ cho nhau.
Trong thời điểm này, Việt Nam và Ấn Độ cần tăng cường nội lực, tập trung vào nguồn nhân lực với nhiều chính sách đi trước đón đầu.
Cụ thể, về nhân sự, hai nền kinh tế có thể đào tạo nhân lực dựa vào lợi thế dân số trẻ, đào tạo về công nghệ giúp lực lượng này có thể tiếp cận nền kinh tế toàn cầu.
Trong quá khứ, mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam là sự hỗ trợ cho nhau, hợp tác khăng khít không có tranh chấp, do đó trong tương lai hai quốc gia hướng đến hợp tác toàn diện. Theo nhìn nhận của các chuyên gia, giữa hai quốc gia vẫn còn nhiều tiềm năng hợp tác chưa được khai thác. Do đó, các chuyên gia chỉ ra những tiềm năng hợp tác giữa hai quốc gia về liên kết xây dựng cảng biển chiến lược, kết nối mạnh mẽ về du lịch, tăng thêm các chuyến bay trực tiếp giữa hai nước để thu hút đầu tư, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trên lĩnh vực Giáo dục, Y tế, xây dựng hạ tầng… Về tương lai, giữa hai nước cần xác định vấn đề then chốt mà mỗi bên đang tìm kiếm trong mối quan hệ hợp tác. Trong tương lai gần, Việt Nam và Ấn Độ cần xây dựng hiệp định tự do giữa hai quốc gia, tăng cường kết nối giữa hai nền kinh tế, nâng tầm hợp tác lên tầm cao mới.
Đưa Ấn Độ và Việt Nam trở thành các quốc gia khởi nghiệp
"Starup" là vấn đề dùng công nghệ và đổi mới sáng tạo để tăng khả năng mở rộng quy mô doanh nghiệp. Theo nhận định của các diễn giả, hiện nay cả Ấn Độ và Việt Nam đều có những cơ hội khởi nghiệp mở ra. Nền kinh tế và xã hội của hai quốc gia có tinh thần doanh nhân và khởi nghiệp một cách tự nhiên rất lớn, đặc biệt là năng lực và động lực đổi mới sáng tạo.
Các chuyên gia tham gia Phiên đối thoại "Đưa Ấn Độ và Việt Nam trở
thành các quốc gia khởi nghiệp hậu Covid-19"
Hiện Ấn Độ có hơn 70.000 doanh nghiệp khởi nghiệp và 107 các công ty "kỳ lân". Để phát triển cộng đồng khởi nghiệp, Ấn Độ có những điều kiện hỗ trợ như: Công nghệ và hệ sinh thái công nghệ được xây dựng và kết hợp cùng nhau, giúp người tiêu dùng có các trải nghiệm công nghệ và hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp; có sẵn cơ sở hạ tầng số phát triển, giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp giảm chi phí. Bên cạnh đó, Ấn Độ có cộng đồng các nhà đầu tư mạo hiểm, năng động; có các chương trình ươm tạo và tăng tốc, cung cấp các nền tảng để người khởi nghiệp giới thiệu các ý tưởng sáng tạo; có các tổ chức tư nhân hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tại Ấn Độ. Đặc biệt, hiện nay, các ngân hàng lớn và các công ty công nghệ lớn cũng đang có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Nền tảng nhân tài tốt cũng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Ấn Độ phát triển khởi nghiệp nhanh. Cùng với đó, là chính sách thuế và chương trình hỗ trợ tài chính khá tốt.
Việt Nam hiện có trên 3.000 doanh nghiệp và 04 công ty đã trở thành các công ty "kỳ lân".
So sánh nền kinh tế giữa hai quốc gia, Ấn Độ và Việt Nam có những điểm tương đồng và có thể hỗ trợ cùng nhau phát triển. Đó là những nền kinh tế tăng trưởng nhanh và đều hưởng lợi từ sự chuyển dịch của địa – chính trị trong khu vực và trên thế giới. Và Việt Nam là một trong những điểm đến quan trọng mà các doanh nghiệp tìm đến để đa dạng cho chuỗi cung ứng của mình. Hiện Việt Nam và Ấn Độ đều có trung tâm sản xuất, xuất khẩu và khởi nghiệp. Cả hai quốc gia đều có hệ sinh thái có tiến độ phát triển nhanh.
Bên cạnh những tương đồng, hai quốc gia cũng có những thế mạnh của riêng mình. Trong đó, sản xuất và logistics là hai thế mạnh của Việt Nam. Do đó, sẽ có nhiều "starup" tham gia vào các lĩnh vực này. Trong thời gian tới, các doanh nghiệp khởi nghiệp của Việt Nam sẽ tập trung phát triển thị trường trong nước và cũng sẽ có nhiều "starup" nước ngoài vào Việt Nam.
Các đại biểu tham gia Phiên đối thoại
Đối với nhiều doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, Việt Nam là điểm đến sớm nhất (nằm ngoài thị trường Nhật Bản) mà các doanh nghiệp lựa chọn. Bởi Việt Nam có thị trường rộng lớn gần 100 triệu dân, cơ cấu dân số trẻ và năng động, độ tuổi trung bình khoảng 30. Một lực lượng lao động trẻ, nhanh tiếp thu những điều mới mẻ và là thế hệ có tư duy mới, năng động khám phá. Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia có sự đầu tư rất lớn về giáo dục. Đây là tín hiệu của một nền kinh tế tri thức đang dần được hình thành. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ thuế của Việt Nam đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ cũng là điểm thu hút các nhà đầu tư và các doanh nghiệp khởi nghiệp trong nước.
Với sự tương đồng ở các lĩnh vực nông nghiệp, chăm sóc y tế và quốc phòng - an ninh, đây là thời điểm thích hợp để hai quốc gia tăng cường hợp tác đề tăng trưởng cùng nhau, tạo ra chuỗi cung ứng bổ sung cho nhau. Đặc biệt là để Ấn Độ và Việt Nam trở thành hai trung tâm sản xuất điện tử lớn trên thế giới, với thế mạnh phần mềm tại Việt Nam và phần cứng ở Ấn Độ.
Mặc dù sẽ còn nhiều thách thức, nhưng với tinh thần khởi nghiệp, với tinh thần doanh nghiệp và với thái độ nhiệt huyết và không ngại khó khăn, hai quốc gia nhất định sẽ có những bước phát triển mạnh mẽ.
Khai thác tiềm năng đầu tư, xuất khẩu giữa hai thị trường Việt Nam - Ấn Độ
Tại Phiên đối thoại "Tiếp cận các thị trường toàn cầu" do ông Robinder Sachdev - Chủ tịch Viện Imagindia (Ấn Độ) chủ trì đã tập trung thảo luận các vấn đề liên quan đến việc tiếp cận các thị trường toàn cầu; tăng cường chú trọng vào lĩnh vực sản xuất và tăng trưởng xuất khẩu của Chính phủ Ấn Độ và Việt Nam.
Theo các diễn giả, Việt Nam đang bước vào thời kỳ phát triển mới với yêu cầu phát triển kinh tế nhanh và bền vững dựa trên đổi mới và sáng tạo, khai thác những lợi thế của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Kinh tế toàn cầu trong những năm tới được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến phức tạp khó lường với rủi ro tiềm ẩn từ các cuộc xung đột địa chính trị, chiến tranh thương mại, dịch bệnh, chu kỳ khủng hoảng kinh tế, gây ra những hệ lụy về đứt gãy chuỗi cung ứng, khủng hoảng năng lượng, áp lực lạm phát… Trong bối cảnh đó, xuất khẩu - một trong ba trụ cột của nền kinh tế cần được đảm bảo tăng trưởng bền vững trong dài hạn, đòi hỏi sự cập nhật và hoạch định những định hướng chính sách mới, giải pháp căn cơ mang tính chiến lược đối với hoạt động xuất, nhập khẩu.
Phiên đối thoại "Tiếp cận các thị trường toàn cầu"
Thời gian qua, hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Ấn Độ tăng nhanh. Năm 2021, lần đầu tiên thương mại song phương hai nước vượt mốc 13 tỷ đô la Mỹ, tăng 36,5% so với năm 2020. Đặc biệt, chỉ trong 5 năm sau khi trở thành đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2016, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng gấp đôi và mục tiêu của năm 2022 là 15 tỷ đô la Mỹ.
Về triển vọng đầu tư tại Việt Nam, các chuyên gia đánh giá Việt Nam và Ấn Độ có nhiều cơ hội phát triển trong lĩnh vực công nghệ thông tin, viễn thông… Trong lĩnh vực nông nghiệp, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu quả thanh long, các mặt hàng gia vị như quế, hồi, tiêu, thảo quả… tới Ấn Độ. Đặc biệt, doanh nghiệp Ấn Độ muốn đầu tư vào sản xuất các sản phẩm nông sản mang giá trị gia tăng tại Việt Nam để xuất khẩu trở lại thị trường Ấn Độ do nhu cầu về thực phẩm chế biến tại Ấn Độ rất cao.
Các đại biểu tham dự tại Phiên đối thoại
Ngoài ra, Việt Nam và Ấn Độ còn có tiềm năng mở rộng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác như dược phẩm, dệt may, thực phẩm chế biến… Trong lĩnh vực dược phẩm, hiện có khoảng 150 doanh nghiệp Ấn Độ hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên, chưa có hợp tác liên doanh nào giữa doanh nghiệp hai nước. Nếu có thể phát triển hợp tác liên doanh sẽ giúp chuyển giao các công nghệ cao trong sản xuất dược phẩm, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu dược phẩm sang các quốc gia trong khu vực. Đối với các sản phẩm dệt may, may mặc, cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực xơ, sợi nhân tạo tại Việt Nam.