Mục tiêu của Diễn đàn là đưa ra các thông điệp của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhằm làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, và đề xuất nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Trong những năm qua, Make in Viet Nam đã được cộng đồng doanh nghiệp không chỉ trong lĩnh vực công nghệ số hưởng ứng mà đã tạo hiệu ứng tích cực trong tất cả các ngành, lĩnh vực khác; cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp đã thay đổi tư duy, định hướng sáng tạo, sản xuất các sản phẩm chất lượng của người Việt cho thị trường trong nước và định hướng toàn cầu. Các sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam đã được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận và đi ra thị trường nước ngoài.
Tổng Bí thư Tô Lâm, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình và Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tham quan khu triển lãm tại Diễn đàn quốc gia về doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà
Phát biểu chỉ đạo và định hướng tại diễn đàn này, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đánh giá cao Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã tổ chức diễn đàn có ý nghĩa này ngay sau Hội nghị toàn quốc triển khai Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về Đột phá Khoa học công nghệ, Đổi mới sáng tạo và Chuyển đổi số quốc gia. Tổng bí thư nhấn mạnh, bằng cách ứng dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, Internet vạn vật, chúng ta có thể phát triển các các ngành kinh tế mũi nhọn, thúc đẩy xây dựng sáng tạo và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, bền vững, xã hội số toàn diện, tiên tiến và bản sắc. Tuy nhiên, để đạt được các mục tiêu này, cần sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ, sự đồng hành của doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của những người lao động và toàn thể người dân.
Tại diễn đàn này, Tổng bí thư cũng gợi mở một số những nhiệm vụ trọng tâm đối với ngành và các doanh nghiệp công nghệ số của chúng ta trong giai đoạn tới như phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ, phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi. Bên cạnh đó, phải đẩy mạnh và đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, đặc biệt là các công nghệ chiến lược như trí tuệ nhân tạo, IoT, dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, công nghệ nano, công nghệ thông tin di động 5G, 6G, công nghệ vũ trụ, không gian.
Tổng Bí thư Tô Lâm gợi mở một số nhiệm vụ trọng tâm đối với các doanh nghiệp công nghệ số trong giai đoạn tới như phải nỗ lực tự cường, tự chủ công nghệ, phát triển công nghệ chiến lược, công nghệ lõi. Ảnh: Lê Anh Dũng
Tổng bí thư khẳng định phải tiếp tục đầu tư, phát triển hạ tầng số. Cần tăng cường chính sách để thu hút nhân tài công nghệ cao, xây dựng môi trường hấp dẫn, hỗ trợ nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực nội địa, tạo ra các doanh nghiệp công nghệ số hàng đầu. Bên cạnh đó, phải xây dựng hệ sinh thái công nghệ số bền vững, đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái công nghệ số với sự liên kết giữa các doanh nghiệp, trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức hỗ trợ, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác công - tư, thu hút nguồn lực từ các doanh nghiệp, quỹ đầu tư, các tổ chức quốc tế, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ công nghệ số đa dạng, đáp ứng yêu cầu trong nước và xuất khẩu. Từng bước hình thành và phát triển các lĩnh vực về kinh tế số như Chính phủ điện tử, Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, tạo điều kiện cho doanh nghiệp công nghệ số phát triển các giải pháp cho việc ứng dụng và quản lý Nhà nước, nâng cao chất lượng dịch vụ công, thúc đẩy giao dịch điện tử, tăng cường khả năng tiếp cận CNTT cho mọi người dân. Nâng cao năng lực và vị thế cạnh tranh toàn cầu, phấn đấu để trở thành trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới.
“Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, chúng ta cần có sự đồng lòng, quyết tâm, khát vọng mạnh mẽ hơn nữa. Chúng ta cần nhìn thấy đây không chỉ là cơ hội mà còn là trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp trong việc góp phần hiện thực hóa các mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đã đặt ra trong Nghị quyết 57. Hãy biến khát vọng đứng đầu thành hành động cụ thể. Mỗi doanh nghiệp công nghệ số cần dấn thân vào các lĩnh vực công nghệ tiên phong, đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển, chủ động tiếp cận công nghệ mới, không ngừng đổi mới sáng tạo. Các doanh nghiệp công nghệ số cần tập trung xây dựng các sản phẩm dịch vụ mang tính đột phá, tạo ra giá trị thực sự, phục vụ lợi ích của người dân và của nền kinh tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế. Đây là thời cơ vàng để chúng ta khẳng định năng lực cạnh tranh của mình trên thị trường quốc tế, trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi công nghiệp công nghệ số hàng đầu của khu vực Đông Nam Á và phạm vi toàn thế giới”, Tổng Bí thư nói.
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, chúng ta làm chủ các công nghệ chiến lược để làm chủ tiến trình chuyển đổi số Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đã tạo ra những cơ hội mới và thời cơ có một không hai cho Việt Nam. Công nghệ có thể giải những bài toán Việt Nam một cách hiệu quả. Việt Nam với những vấn đề của mình chính là thị trường để sinh ra những doanh nghiệp công nghệ. Việt Nam cũng là cái nôi để các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam đi ra toàn cầu và giải những bài toán toàn cầu.
"Make in Việt Nam là sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam và bởi các doanh nghiệp Việt Nam. Make in Vietnam là một khẩu hiệu hành động. Make in Vietnam là một tinh thần tinh, thần tự cường, tinh thần làm chủ ứng dụng và làm chủ công nghệ, từ làm chủ ứng dụng tới làm chủ công nghệ. Make in Việt Nam sẽ không chỉ giúp Việt Nam thịnh vượng mà còn giúp Việt Nam có hòa bình lâu dài vì nó góp phần phát triển ngành công nghiệp quốc phòng an ninh hùng mạnh để bảo vệ Việt Nam. "Chiếc nỏ thần" bảo vệ Việt Nam sẽ chỉ có thể do người Việt Nam làm ra" - Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông, mục tiêu của Diễn đàn là đưa ra các thông điệp của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam nhằm làm chủ công nghệ số, công nghệ chiến lược, và đề xuất nhận nhiệm vụ chiến lược triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW, tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tại Diễn đàn này, nhiều nội dung sẽ được đưa ra thảo luận, đặc biệt định hướng, chính sách và giải pháp phát triển trong giai đoạn tới về công nghiệp bán dẫn và trí tuệ nhân tạo để kiến nghị Chính phủ Việt Nam xây dựng thể chế, chính sách đột phá nhằm ưu đãi hỗ trợ, khuyến khích, kêu gọi tập hợp sức mạnh từ Chính phủ đến xã hội trong phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Diễn đàn cũng sẽ đề ra việc nghiên cứu, làm chủ công nghệ số giúp đẩy nhanh quá trình thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số Việt Nam và đưa Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.
Chương trình Diễn đàn bao gồm 01 Phiên cấp cao đưa ra những thông điệp của Đảng, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về định hướng thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số, công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, doanh nghiệp công nghệ số gắn với việc làm chủ công nghệ số, làm chủ quá trình chuyển đổi số trong các ngành kinh tế, hình thành phương thức sản xuất số của Việt Nam; hai Phiên tham luận chuyên đề chuyên sâu về phát triển công nghiệp bán dẫn, AI.
Tại Diễn đàn, Bộ TT&TT tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Viet Nam năm 2024 tôn vinh các sản phẩm công nghệ số xuất sắc, mang tự hào trí tuệ Việt Nam.
Trao Giải thưởng “Sản phẩm Công nghệ số Make in Viet Nam”
Trong khuôn khổ Diễn đàn cũng tổ chức khu trưng bày triển lãm gồm gần 40 gian hàng trưng bày các sản phẩm, dịch vụ công nghệ số Make in Viet Nam do doanh nghiệp Việt Nam làm chủ công nghệ, làm chủ quá trình chuyển đổi số quốc gia.
Nguồn: TTXVN, Vietnamnet