Lừa đảo mua bán hàng hóa, dịch vụ (vé máy bay, du lịch…) giá rẻ
Lợi dụng tâm lý ham rẻ của đa số người dân khi mua hàng hoặc tìm kiếm dịch vụ trên không gian mạng, các đối tượng đăng tải bài viết quảng cáo các loại hàng hóa, dịch vụ với mức giá rẻ hơn so với thị trường. Khi người dân liên hệ, các đối tượng tạo vỏ bọc uy tín, yêu cầu người dân chuyển khoản đặt cọc hoặc trả tiền trước, sau đó chiếm đoạt số tiền trên.
Cụ thể, đăng bài viết quảng cáo dịch vụ làm visa (thị thực) du lịch nước ngoài, cam kết tỷ lệ thành công cao, hoàn trả 100% số tiền nếu không xin được visa. Sau khi nạn nhân chuyển khoản đặt cọc hoặc thanh toán trước chi phí, các đối tượng sẽ để nạn nhân tự khai thông tin tờ khai, hoàn thiện hồ sơ... Sau đó lấy nhiều lý do khác nhau để không trả lại tiền.
Làm giả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, làm giả ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi khách hàng chuyển khoản để thanh toán dịch vụ du lịch các đối tượng sẽ chặn liên lạc.
Các đối tượng mạo danh đại lý bán vé máy bay, tự tạo ra các website, trang mạng xã hội, với địa chỉ đường dẫn, thiết kế tương tự kênh của các hãng hoặc đại lý chính thức, đăng tải nhiều bài viết thể hiện việc đặt vé máy bay cho nhiều đoàn khách khác nhau.
Nếu khách hàng liên hệ, các đối tượng sẽ đặt chỗ vé máy bay, gửi mã đặt chỗ để làm tin hoặc sử dụng phần mềm chỉnh sửa ảnh để tạo vé máy bay giả và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, các đối tượng không xuất ra vé máy bay và ngắt liên lạc.
Chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội sau đó giả mạo người thân, quen nhắn tin, gọi điện vay tiền
Đây là hình thức lừa đảo khá phổ biến, các đối tượng sau khi đánh cắp được tài khoản mạng xã hội sẽ nghiên cứu cách thức nói chuyện của chủ tài khoản với bạn bè, người thân hoặc thu thập các video của chủ tài khoản còn lưu trên mạng xã hội, sử dụng căn cước công dân giả đăng ký tài khoản ngân hàng online trùng với tên của chủ tài khoản mạng xã hội bị đánh cắp, khiến cho nạn nhân lầm tưởng rằng đang chuyển tiền cho bạn bè, người thân của mình. Sau đó nhắn tin hoặc gọi điện video cho người thân, quen hỏi vay tiền hoặc nhờ chuyển khoản hộ.
Người dân hãy cảnh giác nếu nhận được một tin nhắn hoặc email từ một người bạn trong danh sách bạn bè yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm, yêu cầu chuyển tiền hoặc thực hiện hành động khẩn cấp. Đặc biệt, nếu tin nhắn có chứa các lời khẩn cấp, đe dọa hoặc yêu cầu không phù hợp, hãy kiểm tra lại xem có phải tin nhắn thực sự từ bạn bè của mình hay không.
Cẩn thận hơn nếu tin nhắn từ bạn bè có sự thay đổi đột ngột trong cách viết, từ ngữ không giống với phong cách thông thường hoặc có chứa các lời lẽ lạ lùng.
Kiểm tra đường link được chia sẻ trong tin nhắn. Nếu đường link có dấu hiệu đáng ngờ như URL không phổ biến, thiếu ký tự an toàn (https://), hoặc điều hướng đến các trang web không rõ nguồn gốc hoặc đáng ngờ, hãy tránh nhấp chuột hoặc truy cập vào đường link đó.
Lưu ý rằng bạn không nên cung cấp thông tin cá nhân nhạy cảm hoặc thông tin đăng nhập (tên đăng nhập, mật khẩu) thông qua tin nhắn hoặc email. Lừa đảo thường sử dụng chiêu này để chiếm quyền điều khiển tài khoản.
Nếu bạn nhận được một tin nhắn hoặc email đáng ngờ từ một người bạn, hãy thử liên hệ trực tiếp với họ thông qua các phương tiện khác (điện thoại, tin nhắn, email) để xác minh xem tin nhắn đó có phải từ họ hay không. Đừng sử dụng thông tin liên hệ được cung cấp trong tin nhắn đáng ngờ để xác minh.
Nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu lừa đảo nào, hãy báo cáo ngay lập tức cho người bạn bè bị ảnh hưởng và thông báo vụ việc cho nền tảng mạng xã hội hoặc dịch vụ email để họ có thể thực hiện biện pháp cần thiết.
Lừa đảo chuẩn hóa thông tin cá nhân (thuê bao di động, VneID, tài khoản ngân hàng…) để yêu cầu truy cập hoặc cài đặt ứng dụng độc hại
Đây là hình thức lừa đảo giả danh cơ quan quản lý Nhà nước để yêu cầu người dân truy cập đường link chứa mã độc hoặc tải về ứng dụng giả mạo chứa mã độc. Sau khi người dân click vào đường dẫn hoặc tải về ứng dụng, cho phép truy cập thiết bị, các đối tượng sẽ thu thập được dữ liệu về thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng... nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản.
Cụ thể, gọi đến từ số điện thoại cá nhân hoặc số điện thoại giả mạo thương hiệu (Brandname) như VneID, 113, Vinaphone, Viettel…, các đối tượng giả danh cơ quan quản lý Nhà nước (cảnh sát khu vực, cán bộ quản lý hộ tịch, nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hoặc nhân viên ngân hàng...), thông báo đề nghị người dân bổ sung hoặc sửa đổi dữ liệu thông tin cá nhân để chuẩn hóa theo quy định.
Các đối tượng yêu cầu người dân cung cấp thông tin cá nhân để chuẩn hóa, hoặc truy cập vào các đường dẫn giả mạo, tải ứng dụng chứa mã độc để chiếm quyền điều khiển thiết bị điện tử hoặc các tài khoản ngân hàng, thuê bao di động... Đối tượng gây áp lực bằng cách đe dọa nếu không làm theo hướng dẫn thì có thể sẽ bị khóa thuê bao di động, khóa tài khoản ngân hàng hoặc cơ quan Công an sẽ đến nhà làm việc...
Trong một số trường hợp, để tạo lòng tin, các đối tượng gọi video call cho người dân với trang phục Công an hoặc giả mạo văn phòng làm việc của các cơ quan quản lý Nhà nước.