Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm rất nguy hiểm lây truyền từ động vật sang người. Khi người và động vật đã mắc bệnh và có biểu hiện triệu chứng bệnh dại đều dẫn đến tử vong. Trên 90% nguồn lây truyền bệnh chủ yếu từ chó, mèo mắc bệnh dại.
Toàn cảnh buổi Mít - tinh
Phát biểu tại buổi lễ, ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, bệnh dại đã được ghi nhận ở hơn 150 quốc gia, lãnh thổ và khu vực. Theo Hệ thống Quản lý thông tin Dịch bệnh động vật Việt Nam, từ đầu năm 2024 đến ngày 09/4/2024, cả nước xảy ra 77 ổ dịch bệnh dại trên động vật tại 27 tỉnh, thành phố, với 229 động vật mắc bệnh chết và tiêu hủy. Trong đó có các tỉnh lân cận Bình Dương bao gồm Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An.
Ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phát biểu tại buổi Mít - tinh
Theo ông Huỳnh Minh Chín – Phó Giám đốc Sở Y tế, hiện tình hình bệnh dại trên địa bàn tỉnh ổn định. Năm 2023, không ghi nhận bệnh dại, nhưng số người bị chó, mèo cắn nghi mắc bệnh dại phải đi tiêm phòng 15.479 mũi. Riêng 3 tháng đầu năm 2024, không ghi nhận ca tử vong do bệnh dại; số người bị chó, mèo cắn nghi mắc bệnh dại phải đi tiêm phòng 4.500 mũi.
Ông Huỳnh Minh Chín – Phó Giám đốc Sở Y tế phát biểu hưởng ứng Mít - tinh
Bệnh dại là mối đe dọa nguy hiểm đến sức khỏe cộng đồng, có thể gây tổn thất về tính mạng con người và thiệt hại kinh tế khi phải điều trị dự phòng. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được.
Để nâng cao chất lượng công tác phòng, chống bệnh dại, người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vắc xin phòng dại cho chó, mèo đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm. Nuôi chó phải xích, nhốt; khi ra đường phải mang rọ mõm. Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo. Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Kịp thời đến cơ sở y tế để thăm khám, tư vấn và tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại. Tuyết đối không tự chữa. Cần hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân biết sau khi bị chó, mèo cắn.
Tại buổi Mít - tinh, Ban tổ chức đã tiêm vắc xin phòng ngừa bệnh dại miễn phí cho chó, mèo trên địa bàn tỉnh. Sau đó, tiến hành diễu hành phát động phòng, chống bệnh dại trên một số tuyến đường trên địa bàn TP. Thủ Dầu Một.
Người dân mang chó, mèo đến tiêm miễn phí vắc xin phòng ngừa bệnh dại
Các nhân viên thú ý đang kiểm tra sức khỏe cho chó, mèo trước khi tiêm phòng
Các nhân viên thú ý tiêm vắc xin phòng, ngừa bệnh dại cho chó, mèo
Một số hình ảnh diễu hành tại buổi Mít - tinh