Từ ngày 17 đến ngày 23/10/2023, các tổ công tác đã triển khai đồng bộ các giải pháp, phát hiện, xử lý hơn 2.000 trường hợp vi phạm; phạt tiền (ước tính) hơn 10,5 tỷ đồng, tước 1.265 giấy phép lái xe (GPLX), tạm giữ 1.936 phương tiện (98 ô tô, 1.838 mô tô).
Đã phát hiện lập biên bản 1.841 trường hợp (93 ô tô, 1.748 mô tô) vi phạm về nồng độ cồn. Công an TP.Tân Uyên được ghi nhận là đơn vị dẫn đầu về phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn (434 trường hợp).
Lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát Giao thông, Công an tỉnh Bình Dương, các trường hợp vi phạm nồng độ cồn chủ yếu tập trung ở người điều khiển phương tiện xe mô tô, xe máy.
Ngoài ra, lực lượng Công an còn phát hiện 04 trường hợp vi phạm về ma túy, 01 trường hợp xuất trình Thẻ Nhà báo (nghi giả). Các lỗi vi phạm khác như: Vi phạm về tốc độ; "cơi nới" thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ trên đường bộ; đi không đúng phần đường, làn đường; không có GPLX, vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm...
Được biết, các lực lượng phối hợp do Cục Cảnh sát Giao thông, Bộ Công an chủ trì đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, phát hiện, xử lý hiệu quả các trường hợp vi phạm nồng độ cồn và các hành vi vi phạm khác. Cán bộ chiến sĩ thực hiện nhiệm vụ chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật, quy trình công tác, Điều lệnh Công an nhân dân, văn hóa ứng xử khi tiếp xúc với nhân dân; việc xử lý vi phạm bảo đảm tính nghiêm minh, công bằng. Đa số người điều khiển phương tiện chấp hành tốt việc đo, kiểm tra nồng độ cồn và ma túy. Đồng thời việc phối hợp kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nồng độ trên địa bàn tỉnh đã có tác dụng răn đe, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông của người dân và cán bộ, đảng viên.