Tham dự có ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT); ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương.
Nông thôn phát triển toàn diện
Qua 03 năm triển khai thực hiện, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, rộng khắp, được cả hệ thống chính trị và đông đảo nhân dân, các doanh nghiệp tích cực tham gia, tạo động lực cho kinh tế nông thôn phát triển.
Đến nay, Bình Dương hoàn thành 100% xã NTM. Toàn tỉnh hiện có 41/41 xã đạt chuẩnNTM, 29/41 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; các xã đang tiếp tục đầu tư nâng chất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025. Hiện có 3/6 huyện, thị đạt chuẩn NTM và hoàn thành NTM (huyện Dầu Tiếng năm 2015, TX. Bến Cát năm 2018, TP. Tân Uyên năm 2016). Các huyện Bàu Bàng, Phú Giáo và Bắc Tân Uyên đã được Hội đồng Trung ương thẩm định hiện đang bổ sung hồ sơ để được công nhận huyện đạt chuẩn NTM theo quy định.
Tỉnh đang lập quy hoạch vùng các huyện Phú Giáo, Dầu Tiếng, Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên gắn kết đồng bộ với quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quá trình đô thị hóa của tỉnh. UBND các huyện, thị, thành phố đang tổ chức lập quy hoạch chung xây dựng cho các xã, thay thế cho quy hoạch xây dựng NTM; đến nay đã phê duyệt đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng được 18/41 xã, đạt 44%.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam và ông Phạm Văn Bông - Giám đốc Sở NNPTNT trao chứng nhận OCOP đợt 2 cho các đơn vị
Với việc tổ chức thực hiện có hiệu quả Phong trào thi đua "Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM" gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" và các phong trào thi đua chuyên ngành, các cấp, các ngành và địa phương đã vượt qua khó khăn, nỗ lực huy động các nguồn lực nhằm đầu tư phát triển hiệu quả kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội nông thôn, đầu tư phát triển sản xuất với tổng vốn đầu tư cho xây dựng NTM giai đoạn 2021-2023 trên 6.400 tỷ đồng (trong đó vốn ngân sách chiếm 49%, các nguồn vốn huy động, vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp và vốn đóng góp của cộng đồng dân cư chiếm 51%).
Nhiều công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư xây mới, nâng cấp sửa chữa, từng bước đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mới đem lại hiệu quả kinh tế cao, tạo ra nhiều việc làm mới cho người dân. Chất lượng giáo dục, y tế nhất là công tác khám chữa bệnh cho nhân dân được nâng lên rõ rệt. Đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên, các hoạt động văn hóa, thể thao được duy trì và phát triển; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Sản xuất nông nghiệp hàng hóa được coi trọng và có chuyển biến, góp phần tích cực nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn.
Đại biểu chụp ảnh lưu niệm với các đơn vị nhận chứng nhận OCOP
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Dương chú trọng thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) nhằm mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Ông Phạm Văn Bông – Giám đốc Sở NNPTNT cho biết, qua hơn 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Qua đó, góp phần chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, có truy xuất nguồn gốc và theo nhu cầu thị trường. Chương trình nhận được sự quan tâm của các cấp, các ngành và được sự ủng hộ cộng đồng địa phương; công tác chỉ đạo, phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương ngày càng chặt chẽ, bước đầu hình thành được các sản phẩm đặc trưng gắn với lợi thế của Bình Dương. Với sự tham gia tích cực của các cấp chính quyền, doanh nghiệp và người dân, đến nay toàn tỉnh đã có 103 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó, có 93 sản phẩm đạt 3 sao và 10 sản phẩm đạt 4 sao của 60 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, tổ hợp tác,... "Việc xây dựng và thực hiện Chương trình OCOP giúp các địa phương khơi dậy sự tự lực, sáng tạo của cộng đồng để phát triển các sản phẩm đặc trưng, nâng cao thu nhập, đời sống người dân và thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM", ông Phạm Văn Bông nhấn mạnh.
Tập trung phát triển hạ tầng nông thôn
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 đã đi được hơn nửa chặng đường, diện mạo ở các xã NTM trong tỉnh ngày càng khởi sắc. Trong giai đoạn tiếp theo, Bình Dương đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, có 100% (41/41 xã) số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 24% (10/41 xã) số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 100% huyện đạt chuẩn NTM; hoàn thành xây dựng thí điểm "Làng thông minh" trên địa bàn xã Bạch Đằng (TX.Tân Uyên) và nhân rộng đối với các xã còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, thu nhập tăng ít nhất 1,8 lần so với năm 2020; hoàn thành việc thực hiện thí điểm Đề án xây dựng NTM trong quá trình đô thị hóa trên địa bàn cấp huyện đối với Bàu Bàng và nhân rộng đối với các địa bàn còn lại, phù hợp với điều kiện thực tế từng địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng (thứ 3 từ trái qua) và ông Phạm Văn Bông (thứ 2 từ trái qua) - Giám đốc Sở NNPTNT trao Cờ Thi đua cho các tập thể
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng nhấn mạnh, UBND tỉnh xác định xây dựng NTM là một quá trình thường xuyên, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc hướng đến mục tiêu cao nhất đó là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn. Do đó, kết quả đạt được là thành công bước đầu, tạo nền tảng, tiền đề cho việc triển khai thực hiện chương trình trong giai đoạn tiếp theo.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh đề nghị, thời gian tới, các thành viên Ban Chỉ đạo tiếp tục phát huy tinh thần trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng NTM thuộc lĩnh vực mình phụ trách. Sở NNPTNT cần tập trung triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách của Trung ương, của tỉnh hỗ trợ nông nghiệp, nông thôn; thực hiện hiệu quả các đề án/chương trình chuyên đề trọng tâm để xây dựng NTM đi vào chiều sâunhư chương trình khoa học công nghệ, chương trình chuyển đổi số hướng tới NTM thông minh, chương trình OCOP...; nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, nhất là đưa phong trào "Toàn dân chung sức xây dựng NTM" giai đoạn 2021 - 2025 và Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh" ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa rộng lớn trong cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân. Đồng thời, thực hiện hiệu quả việc duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt, chú trọng và nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường.
Song song đó, UBND các huyện, thị xã tập trung rà soát, đầu tư nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu, xã NTM thông minh, xã thương mại điện tử; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng phát biểu tại hội nghị
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam ghi nhận và biểu dương những kết quả nổi bật của tỉnh Bình Dương qua 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM. Thứ trưởng nhấn mạnh, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đóng vai trò rất quan trọng trong phát triển toàn diện về kinh tế - xã hội. Bình Dương cần phát huy kịp thời tiềm năng và lợi thế của tỉnh trong công tác xây dựng NTM, góp phần quan trọng cho mục tiêu xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị văn minh, hiện đại.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam phát biểu tại hội nghị
Với thế mạnh là phát triển công nghiệp, tốc độ đô thị hoá nhanh, Bình Dương cần tập trung đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng tại khu vực nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và thu nhập của người dân nông thôn, góp phần thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và đô thị. Bình Dương đang hướng đến xây dựng thành phố thông minh, do đó, phải phát triển NTM theo hướng NTM kiểu mẫu, NTM thông minh. Bên cạnh đó, tập trung phát triển kinh tế dịch vụ nông thôn để tăng giá trị sản phẩm, chú trọng mẫu mã sản phẩm, bao bì; thực hiện tốt công tác quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ; phát triển sản phẩm theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ và xây dựng chuỗi cung ứng đảm bảo tiêu dùng trong nước, xuất khẩu và xúc tiến thương mại.
Trao Bằng khen cho các tập thể
Dịp này, UBND tỉnh đã tặng Cờ thi đua cho 03 tập thể; tặng Bằng khen cho 45 tập thể và 131 cá nhân có thành tích xuất trong phong trào thi đua "Toàn tỉnh chung sức xây dựng NTM 2021-2023". Đồng thời, trao giấy chứng nhận OCOP đợt 2 năm 2022 cho 41 sản phẩm của 24 chủ thể đạt chứng nhận OCOP 3 sao.