Chuyển đổi năng lượng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững
Thảo luận các nội dung xoay quanh sự cần thiết chuyển dịch sang năng lượng tái tạo ở các quốc gia, nhiều đại biểu đã khẳng định, phát triển năng lượng xanh, còn gọi là năng lượng tái tạo đang dần chiếm vị trí quan trọng trong sự phát triển kinh tế bền vững ở các nước.
Không nằm ngoài xu thế đó, Chính phủ Việt Nam cũng đã đưa ra nhiều chính sách, cam kết mạnh mẽ nhằm thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch, lối sống xanh và phát triển một nền kinh tế thân thiện với môi trường.
Việt Nam được đánh giá là nước nằm trong vùng gió mùa châu Á mạnh và ổn định nên tiềm năng năng lượng gió được đánh giá là rất dồi dào. Việt Nam có tiềm năng gió trung bình so với các nước trên thế giới nhưng thuộc diện lớn nhất trong khu vực Đông Nam Á với tổng tiềm năng điện gió ước đạt 513.360 MW.
Các đại biểu cho rằng, nếu sử dụng được điện năng từ sóng biển, đặc biệt khi công nghệ sản xuất điện sóng ngày càng tiến bộ thì điện từ sóng biển sẽ đóng góp vai trò quan trọng trong việc sử dụng năng lượng xanh, đa dạng hóa nguồn năng lượng, góp phần trong an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Đại biểu tham dự Phiên đối thoại Quản lý chuyển đổi năng lượng
Để chuyển đổi sang năng lượng sạch, nhiều quốc gia trên thế giới đã nhanh chóng ban hành các chính sách ưu tiên phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió, điện khí hóa hệ thống đô thị, phủ xanh thành phố, sử dụng năng lượng hiệu quả, cải thiện quản lý rừng và cây trồng, giảm lãng phí và thất thoát thực phẩm.
Trong 5 năm trở lại đây, Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ về điện gió và điện mặt trời. Hiện nay, với gần 21 GW công suất điện mặt trời và điện gió đấu nối vào lưới điện quốc gia, Việt Nam đã trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về năng lượng tái tạo. Các chuyên gia cũng nhận định rằng năng lượng tái tạo sẽ trở thành yếu tố quyết định tương lai nền kinh tế sản xuất của Việt Nam.
Chia sẻ giải pháp để phát huy tiềm năng về năng lượng tái tạo cũng như thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo, các chuyên gia cho rằng cần thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia trong việc gỡ bỏ các rào cản, bao gồm các rào cản về quyền sở hữu trí tuệ nhằm tăng cường chia sẻ kiến thức và thúc đẩy hợp tác nghiên cứu khoa học, phát triển và chuyển giao công nghệ năng lượng tái tạo.
Đại biểu thảo luận sôi nổi sau Phiên đối thoại
Chính sách có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng, do đó cần có cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích cộng đồng doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào năng lượng tái tạo, cũng như thúc đẩy việc chuyển đổi năng lượng, đặc biệt là từ khâu lập quy hoạch, đến cấp phép, quản lý và vận hành dự án phát triển năng lượng tái tạo.
Cùng với đó, các mục tiêu về phát triển năng lượng tái tạo, đạt phát thải ròng bằng "0" và giảm ô nhiễm không khí cần trở thành tiêu chí để đưa ra quyết định đầu tư, phát triển các dự án năng lượng.
Đào tạo nhân tài trong thời kỳ mới
Tại Phiên đối thoại "Phát triển và đào tạo nhân tài", các đại biểu cho rằng, nguồn nhân lực mỗi năm thay đổi rất lớn và luôn luôn thiếu. Khi xây dựng phương án nhân lực, đều có đưa ra nhu cầu về kỹ năng lãnh đạo, kỹ năng phát triển công việc, kỹ năng làm việc…, nhưng công tác nhân lực luôn khó khăn trong đáp ứng nhu cầu.
Toàn cảnh Phiên đối thoại Phát
triển và Đào tạo nhân tài
Trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0, ngoài các kỹ năng cơ bản, con người cần có những kỹ năng mới, đó là kỹ năng tận dụng công nghệ, tận dụng các ứng dụng và sử dụng phù hợp. Nhìn chung, nguồn nhân lực thế giới đang có xu hướng tái cơ cấu lại. Đó là, quá trình tự động hóa tạo ra thất nghiệp nhiều ở khu vực tư, đặc biệt ở lứa tuổi trung niên, do có sự thay thế con người bằng robot. Giới trẻ ngày nay đam mê và dấn thân vào công việc nhiều hơn, sử dụng các công cụ truyền thông nhiều hơn, cách tiếp cận kiến thức cũng thay đổi. Họ không muốn đi qua lộ trình học tập quá dài để có bằng cấp, mà muốn đi tắt đón đầu để có một công việc theo cách nhanh nhất.
Theo các diễn giả quốc tế, để chấp nhận vượt qua những thách thức, nguy cơ đó, đòi hỏi con người phải có những phẩm chất và năng lực vượt trội so với thời kỳ trước. Phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa người tuyển dụng và người lao động. Người tuyển dụng phải nắm được kỳ vọng của người lao động, phải cho người lao động thấy được một cách rõ ràng về lộ trình trách nhiệm và quyền lợi của họ trong doanh nghiệp. Tính chất người lao động cũng thay đổi. Người lao động muốn được khẳng định vai trò của họ trong doanh nghiệp. Họ thể hiện rõ quan điểm của mình là phải được hưởng gì ở doanh nghiệp khi họ đánh đổi thời gian và công sức của họ cho doanh nghiệp. Đặc biệt là sau khi dịch Covid-19 diễn ra, một văn hóa làm việc mới được hình thành, đó là văn hóa làm việc trực tuyến tại nhà.
Hiện nay, tại Việt Nam tỷ lệ thất nghiệp không cao. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cũng cần nghiên cứu chế độ chính sách về thất nghiệp, để có thể đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Trong dịch Covid-19, chuỗi cung ứng lao động tại Việt Nam cũng bị đứt gãy. Vì vậy, Việt Nam cũng cần đưa ra những giải pháp để giải quyết vấn đề thiếu hụt nhân lực và phát triển tài năng cho thị trường lao động Việt Nam.
Các đại biểu tham dự tại Phiên đối thoại
Giải pháp đưa ra tại Phiên đối thoại là Việt Nam cần có một kế hoạch để sử dụng nguồn nhân lực quốc tế, bên cạnh nguồn nhân lực nội địa. Tài năng không phải là việc chia sẻ ý tưởng, mà tập trung vào việc triển khai ý tưởng và đưa nó vào sử dụng sao cho thiết thực nhất. Cùng với đó là việc xây dựng chiến lược phát triển tài năng phù hợp với những yêu cầu. Và điều quan trọng là tập trung vào năng lực kinh tế của Việt Nam, đó là những mục tiêu mà các doanh nghiệp đang chú trọng vào.
Hiện nay, tại Việt Nam, có trên 20.000 sinh viên thất nghiệp sau khi ra trường. Vấn đề đặt ra là tại sao Việt Nam lại thiếu nhiều tài năng như vậy. Theo ý kiến thảo luận tại Phiên đối thoại, do hệ thống giáo dục của Việt Nam còn thiếu sự sáng tạo, không thu hút và tạo động lực cho sinh viên, quá tập trung vào bằng cấp, không vì giá trị thực của cuộc sống. Chương trình đào tạo tại các trường đại học quá nhiều môn bắt buộc, người học không có quyền lựa chọn.
Riêng đối với Bình Dương, để nâng cao chất lượng nguồn lao động tại địa phương, các trường học luôn chú trọng việc trang bị và phát triển kỹ năng cho người học sau khi ra trường, đó là kỹ năng đa dạng để đáp ứng những thay đổi. Để làm được điều này, cần phải thu hẹp khoảng cách giữa trường học và cộng đồng. Cụ thể là giáo dục kết hợp với doanh nghiệp, để xây dựng nên bộ kỹ năng mới. Từ đó, giáo dục sẽ có kế hoạch đào tạo phù hợp với bộ kỹ năng này.
Việt Nam sẽ có những bước phát triển mới về kinh tế, trở thành nơi thu hút đầu tư rất lớn từ các quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ. Khi Việt Nam, Ấn Độ và các nước khác có sự tương đồng về nhiều lĩnh vực, thì đôi bên sẽ hiểu nhau hơn, tin tưởng nhau hơn và dễ dàng thực hiện việc xúc tiến thương mại, góp phần đưa nền kinh tế phát triển bền vững.