Đầu tư cho giáo dục
Xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội phát triển, thu hút được nguồn lao động từ các tỉnh khác đến sinh sống và làm việc tại Bình Dương ngày càng đông, dẫn đến tình trạng tăng cơ học số lượng học sinh các cấp học hàng năm khá cao (nhất là học sinh mầm non, tiểu học, trung học cơ sở). Với chủ trương tạo mọi điều kiện thuận lợi, bình đẳng và môi trường giáo dục chất lượng, Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Ông Trần Thanh Liêm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Bình Dương luôn coi đổi mới toàn diện GDĐT là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chỉ đạo điều hành. Từ đó, việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy được UBND tỉnh quan tâm thực hiện tốt với phương châm đảm bảo cho tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học trên địa bàn đều được đến trường, có chỗ học thuận lợi. Hàng năm, tỉnh dành nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị ngành Giáo dục theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, tỉnh cũng huy động các nguồn lực tại địa phương, đặc biệt là các chủ trương thông thoáng trong thực hiện xã hội hóa để đầu tư, xây dựng các trường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa.
Nhờ vậy, mạng lưới, quy mô trường lớp, trung tâm ở các cấp học trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng nhanh. Trong nhiệm kỳ, tỉnh đã đầu tư xây dựng thêm 92 công trình trường học. Ngoài ra, có 80 cơ sở giáo dục ngoài công lập do doanh nghiệp đầu tư. Đến cuối năm học 2019-2020, toàn tỉnh có 692 trường học và trung tâm giáo dục thường xuyên, gồm 380 trường công lập và 312 trường ngoài công lập. Tỷ lệ lầu hóa đạt 76,8%. Riêng trong năm học 2020-2021, 19 trường học mới với 327 phòng học được đưa vào sử dụng đã đáp ứng nhu cầu học tập của gần 508.000 học sinh các cấp.
Giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã đầu tư xây dựng thêm 92 công trình trường học
Một trong những điểm nhấn của ngành GDĐT tỉnh Bình Dương là công tác xã hội hóa giáo dục của tỉnh đạt nhiều kết quả tốt với tỷ lệ trường ngoài công lập đạt trên 45%, đặc biệt lĩnh vực giáo dục mầm non có 299 trường ngoài công lập, chiếm 71,2% số trường mầm non trên địa bàn. Mạng lưới trường, lớp mầm non ngoài công lập phát triển đều khắp các địa phương, nhất là những vùng có nhiều khu công nghiệp như thành phố Thuận An, Dĩ An, thị xã Bến Cát, Tân Uyên...
Theo bà Nguyễn Hồng Sáng - Giám đốc Sở GDĐT, công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non được các địa phương thực hiện khá tốt, trong đó chú trọng giải quyết vấn đề trường lớp mầm non ở các khu, cụm công nghiệp. Đến nay, quy mô trường lớp mầm non của tỉnh tiếp tục tăng, tỷ lệ trẻ mầm non ngoài công lập chiếm 68,24%. Qua đó đáp ứng nhu cầu gửi con của người lao động và góp phần giảm áp lực cho các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh.
Công tác xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là giáo dục mầm non được Bình Dương thực hiện tốt
Chất lượng giáo dục được nâng lên
Một trong những khó khăn lớn của ngành GDĐT tỉnh Bình Dương chính là tình trạng thiếu giáo viên, nhất là ở các bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Tỉnh phải xử lý bằng giải pháp cho các đơn vị trường học được hợp đồng đối với những vị trí còn thiếu nhân sự, phân công giáo viên dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng.
Bà Nguyễn Hồng Sáng - Giám đốc Sở GDĐT cho biết, để giải quyết căn cơ vấn đề thiếu giáo viên, tỉnh Bình Dương đã kiến nghị Bộ Nội vụ xem xét, giao thêm biên chế cho ngành GDĐT của tỉnh theo định mức, bảo đảm thực hiện chủ trương "Có học sinh thì phải có giáo viên đứng lớp" theo tinh thần Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/7/2020 của Chính phủ.
Song song đó, tỉnh Bình Dương tập trung nâng cao chất lượng công tác giảng dạy thông qua việc phối hợp với các trường đại học có uy tín thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học. Đồng thời đảm bảo chế độ, chính sách về lương, phụ cấp và thực hiện chế độ, chính sách hỗ trợ đối với viên chức, người lao động. Hiện 100% cán bộ quản lý và 99,92% giáo viên các cấp học có trình độ đạt chuẩn trở lên.
Bằng nhiều nỗ lực trong triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng GDĐT, từ năm học 2015-2016 đến 2019-2020, chất lượng giáo dục các cấp học của tỉnh luôn ổn định và đạt ở mức cao, thể hiện qua tỷ lệ đạt được các chỉ tiêu cơ bản.
Đến nay, chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ tăng lên rõ rệt. Công tác phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi được duy trì, 99,99% học sinh hoàn thành chương trình tiểu học. Trẻ nhà trẻ và trẻ mẫu giáo 5 tuổi học bán trú đạt 100%. Hiện toàn tỉnh không bỏ sót trẻ đến độ tuổi nhưng không được đến trường, không có trường hợp học ca ba.
Thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học
Kết quả thi tốt nghiệp THPT trong những năm qua đã phản ánh đúng chất lượng giảng dạy của tỉnh. Từ khi Bộ GDĐT có chủ trương đánh giá chất lượng thi tốt nghiệp THPT thông qua điểm bình quân các môn thi tốt nghiệp và điểm bình quân của từng môn thi (từ năm 2018), tỉnh Bình Dương luôn nằm trong tốp đầu cả nước về chất lượng tốt nghiệp. Cụ thể, năm 2018, tỉnh Bình Dương xếp hạng 6/63 tỉnh, thành phố; năm 2019 xếp hạng 4/63 tỉnh, thành phố, riêng điểm bình quân môn tiếng Anh đứng thứ 2/63 tỉnh, thành phố. Đặc biệt, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, tỉnh Bình Dương xếp thứ 2 cả nước với tỷ lệ tốt nghiệp đạt 99,48% và có 01 thí sinh là thủ khoa khối B (29,8 điểm).
Kết quả học sinh giỏi Quốc gia năm 2020 của tỉnh được nâng lên cả về số lượng lẫn chất lượng với 34 giải, tăng 25 giải so với năm 2015 và tăng 5 giải so với năm 2019.
Đến tháng 7/2020, toàn tỉnh có 281 trường đạt chuẩn Quốc gia, đạt tỷ lệ 76,15%, tăng 68 trường so với năm 2015. Như vậy, ngành GDĐT đã hoàn thành vượt kế hoạch 1,15% so với chỉ tiêu phấn đấu trường công lập đạt chuẩn Quốc gia đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 (chỉ tiêu đề ra là 70%-75%).
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm chia sẻ, với chủ trương phát triển kinh tế để phục vụ an sinh xã hội, Bình Dương luôn ưu tiên đầu tư cho giáo dục. Sở GDĐT và các địa phương phải sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất hiện có, không để xảy ra tình trạng học ca ba. Đồng thời rà soát quy hoạch, dành quỹ đất xây dựng trường lớp và chủ động phân tích biến động dân số, dự báo quy mô học sinh, xây dựng kế hoạch cân đối nguồn lực về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy và đội ngũ giáo viên. Đặc biệt cần đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để huy động sức mạnh của toàn xã hội góp sức đổi mới và nâng cao chất lượng GDĐT tỉnh nhà.