Cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Năm 2016, Tỉnh ủy Bình Dương ban hành Chương trình số 20-CTr/TU về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong giai đoạn mới. Để thống nhất trong công tác chỉ đạo, điều hành, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3274/QĐ-UBND ngày 24/11/2016 thực hiện Chương trình số 20-CTr/TU và giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, các cấp trong tỉnh.
Trên cơ sở đó, tỉnh đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án đảm bảo nguồn nhân lực đối với ngành Giáo dục và Đào tạo, đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn và người hoạt động không chuyên trách cấp xã, đồng thời tiếp tục thực hiện các đề án, dự án đã được phê duyệt trước đây.
Theo ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Sở Nội vụ, bình quân mỗi năm, tỉnh cử khoảng 8.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng... Đến nay, tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm hơn 75%, trong đó hơn 6% có trình độ sau đại học. Cán bộ, công chức cấp xã có trình độ từ trung cấp trở lên đạt 98,31%.
Cán bộ, công chức, viên chức được đào tạo nâng cao trình độ năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ
Tỉnh luôn quan tâm và định hướng cụ thể việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thông qua việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở trong nước và nước ngoài thuộc nhiều chuyên ngành khác nhau. Các chương trình này đã cung cấp cho tỉnh những cán bộ có năng lực, có trình độ chuyên môn, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong quản lý hành chính, y tế, giáo dục - đào tạo và giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, tỉnh còn thực hiện chính sách thu hút đối với một số ngành, lĩnh vực mà đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức hiện có chưa đáp ứng được yêu cầu; thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi, xuất sắc vào làm việc trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp. Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã thu hút thông qua các hình thức tiếp nhận, tuyển dụng mới 222 người tốt nghiệp đại học loại giỏi, bác sĩ đa khoa, người có trình độ sau đại học.
Triển khai Đề án tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2018-2020 và những năm tiếp theo, tỉnh đã tuyển chọn và tổ chức đào tạo cho 63 học viên là cán bộ, công chức cấp xã, cấp huyện và người hoạt động không chuyên trách cấp xã đang đương chức hoặc được quy hoạch chức danh chủ chốt cấp xã giai đoạn 2015-2020 và 2020-2025. Đồng thời hoàn thành việc bố trí công tác sau khi tốt nghiệp cho 196 học viên theo Đề án đào tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp ủy, chính quyền cấp xã giai đoạn 2011-2015. Đây là những cán bộ trẻ, có trình độ đại học và phần lớn được đào tạo chính quy, có phẩm chất đạo đức tốt sẽ là nguồn cán bộ, công chức cấp xã có chất lượng để bổ sung cho đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp xã và cấp huyện trong thời gian tới.
Triển khai Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo, quản lý, đến nay, tỉnh đã tổ chức kỳ thi tuyển chức danh Phó Giám đốc ở 03 Sở (Văn hóa, Thể thao Và Du lịch; Giáo dục và Đào tạo; Xây dựng). Đối với chức danh quản lý cấp phòng, đã có 04 sở và 06 huyện, thị xã, thành phố tổ chức thi tuyển. Qua thi tuyển có sự cạnh tranh đã tạo điều kiện cho việc lựa chọn được người có đủ phẩm chất, năng lực đảm nhận các chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
Gần 80% lao động qua đào tạo
Theo ông Mai Hùng Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Bình Dương đã xây dựng chương trình đào tạo nguồn nhân lực với nhiều nội dung cụ thể, phù hợp với từng đối tượng được đào tạo như đối với học sinh phổ thông là nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Với sinh viên các trường đại học, cao đẳng là đào tạo gắn với nhu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao đến đầu tư tại tỉnh. Đối với công nhân - lực lượng lao động trực tiếp trong các nhà máy, công ty thì quan tâm đến việc đào tạo theo hướng tới nâng cao tay nghề, kỹ năng, tác phong công nghiệp... Bình Dương xác định chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố tiên quyết làm nên thành công chứ không chỉ dừng ở công nghệ. Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chính là một trong những thế mạnh giúp địa phương thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Tỉnh đã phê duyệt Đề án đảm bảo nguồn lao động có tay nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2020, đến năm 2025 và hàng năm đều ban hành kế hoạch thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Đào tạo nâng cao tay nghề, kỹ năng, tác phong công nghiệp cho công nhân lao động
Toàn tỉnh hiện có 100 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Công tác đào tạo nghề cho người lao động tiếp tục được duy trì với nhiều hình thức và trình độ đào tạo khác nhau. Hàng năm, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tuyển sinh khoảng 30.000 học viên với nhiều trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và dạy nghề dưới 03 tháng, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đến cuối năm 2018 đạt 76% và 26% lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ; dự kiến đến cuối năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh sẽ đạt 80% và 30% lao động qua đào tạo có văn bằng theo chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Bên cạnh đó, thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hàng năm tỉnh tổ chức dạy nghề cho 1.500 – 2.000 lao động nông thôn với nhiều ngành nghề nông nghiệp và phi nông nhiệp khác nhau.
Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp với hơn 1 triệu lao động, trong đó lao động là người ngoài tỉnh chiếm hơn 70%. Trong các nhóm doanh nghiệp, lao động tại các doanh nghiệp có vốn nước ngoài có tỷ lệ công nhân kỹ thuật chiếm cao nhất, nhóm doanh nghiệp tư nhân có số lượng thợ bậc 1 - bậc 3 cao nhất và nhóm doanh nghiệp nhà nước có số người tốt nghiệp đại học cao nhất. Về trình độ chuyên môn tay nghề, số người là công nhân kỹ thuật các bậc chiếm 54,5%. Nhìn chung, với số lượng lao động hiện có cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Cùng với các chính sách đào tạo của tỉnh, các doanh nghiệp tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để thu hút các nhà quản trị doanh nghiệp, lao động có trình độ cao và lao động có tay nghề theo tiêu chuẩn, ngành nghề đang cần. Đồng thời trả lương và có các chế độ đãi ngộ tương xứng với vị trí việc làm, đài thọ chi phí và tạo điều kiện về mặt thời gian để người lao động tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ.
Đào tạo gắn với nhu cầu
Ngay trong Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, tỉnh đã đề ra mục tiêu dài hạn là phấn đấu trở thành địa phương có sức cạnh tranh toàn cầu về thu hút, đào tạo phát triển và "giữ chân" được các nhân tài khoa học kỹ thuật để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, các trung tâm thực nghiệm, không gian sáng tạo được triển khai trên địa bàn tỉnh nhằm tạo điều kiện phát triển các ý tưởng sáng tạo. Mục tiêu này cũng được củng cố nhờ hạ tầng giáo dục tốt ở địa phương, các chương trình đào tạo tiêu chuẩn quốc tế trong các nhà trường và môi trường làm việc năng động, giúp Bình Dương có được lực lượng lao động tài năng, chất lượng. Bên cạnh đó, Bình Dương có lợi thế là địa phương nằm sát TP.Hồ Chí Minh với hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, tạo thuận lợi thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao từ TP.Hồ Chí Minh đến Bình Dương làm việc.
Mức đãi ngộ cho nhân lực công tác trong ngành Y tế lên tới 600 triệu đồng
Cùng với các điều kiện trên, các chính sách đãi ngộ, phúc lợi cũng là yếu tố quan trọng để "giữ chân" người tài. Hiểu rõ điều này, Bình Dương đã ban hành chính sách đãi ngộ tương xứng với trình độ, năng lực và vị trí việc làm. Năm 2019, HĐND tỉnh Bình Dương đã ban hành Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND quy định về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương, với mức đãi ngộ lên tới 600 triệu đồng cho nhân lực công tác trong ngành Y tế.
Bình Dương hiện có 08 trường đại học với quy mô đào tạo hàng năm trên 30.000 sinh viên, với nhiều chuyên ngành chất lượng cao như kỹ thuật xây dựng, khoa học máy tính, kiến trúc, kỹ thuật cơ khí, tài chính - kế toán, điều dưỡng… đáp ứng nhu cầu nhân lực cho tỉnh và các vùng lân cận.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Phúc - Hiệu trưởng Trường Đại học Quốc tế Miền Đông, bám sát nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh, từ khi thành lập đến nay, Trường Đại học Quốc tế Miền Đông luôn chủ động đào tạo nhân lực theo nhu cầu thực tiễn, biến nguồn nhân lực được đào tạo theo chuẩn quốc tế trở thành một lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó, việc xây dựng chương trình đào tạo phù hợp để có đội ngũ sinh viên chắc kiến thức, vững tay nghề góp sức xây dựng tỉnh trở thành thành phố thông minh là nhiệm vụ hàng đầu được đặt ra.
Trường Đại học Quốc tế Miền Đông đào tạo nhân lực theo nhu cầu thực tiễn
Trong khi đó, Trường Đại học Việt - Đức cũng là một trong những nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cung ứng cho các doanh nghiệp ở Bình Dương. Hiện trường đã và đang đào tạo khoảng 3.000 sinh viên đạt chất lượng theo tiêu chuẩn Đức và châu Âu. Trường tập trung đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh với hai nhóm là đào tạo sinh viên trình độ đại học, thạc sĩ và đào tạo nâng cao năng lực quản trị cho nhân lực khu vực doanh nghiệp của tỉnh Bình Dương, trong đó chú trọng trang bị, nâng cao năng lực về quản lý, tiếp cận các công nghệ mới trong sản xuất công nghiệp, chế tạo.
Tiến sĩ Hà Thúc Viên - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Việt - Đức nhấn mạnh: "Ngoại ngữ là một trong những yếu tố quan trọng, rào cản của rất nhiều lao động khi tiếp cận với doanh nghiệp quốc tế. Tại Đại học Việt-Đức, ngoài đào tạo chuyên môn, sinh viên được tiếp cận 2 ngoại ngữ là tiếng Anh và tiếng Đức. Từ đó giúp các em làm việc hiệu quả, tự tin hơn trong giao tiếp. Sinh viên Đại học Việt-Đức sau khi tốt nghiệp có thể học cao hơn tại trường hoặc sang Đức học theo chương trình tài trợ học bổng của Viện hàn lâm Đức."
Tương tự, các trường đại học, cao đẳng ở Bình Dương thời gian qua cũng chuyển hướng chú trọng đào tạo thực hành và kỹ năng mềm cho sinh viên. Đặc biệt, các trường không chạy theo số lượng nghề mà hướng đến đào tạo các ngành nghề trọng điểm đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhà trường và doanh nghiệp cũng đã bắt tay cùng đào tạo. Với mô hình "đào tạo kép", giúp sinh viên có việc ngay sau khi ra trường và doanh nghiệp có nguồn nhân lực không phải đào tạo lại.
Thời gian tới, Bình Dương sẽ mở rộng mô hình các cơ sở giáo dục đào tạo, dạy nghề chất lượng cao theo hướng đáp ứng nhu cầu sử dụng của xã hội. Tỉnh cũng sẽ xem xét triển khai thực hiện các chương trình hợp tác đào tạo với các trường đại học trong nước và nước ngoài để thực hiện đào tạo theo cơ chế đặt hàng đối với cán bộ, công chức, viên chức và đội ngũ sinh viên mới ra trường có nguyện vọng về làm việc tại Bình Dương