Theo đó, các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm việc cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Những người có công phát hiện, ngăn chặn việc sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” sẽ được khen thưởng theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan hướng dẫn việc thực hiện Quyết định này; nghiên cứu đề xuất các biện pháp xử lý vi phạm hành chính đối với những hành vi sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời”.
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Dân tộc cùng các Bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về Quyết định này để nhân dân hiểu và nghiêm túc thực hiện.
Bộ Giáo dục và Đào tạo được giao chủ trì, phối hợp với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và các cơ quan liên quan tuyên truyền, giáo dục thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên nhận thức những nguy hại của việc đốt, thả “đèn trời”.
UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, đốt và thả “đèn trời” theo quy định của pháp luật.
Chỉ tính riêng các thành phố: Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Hà Nội và tỉnh Quảng Ninh trong dịp Tết Kỷ Sửu 2009 đã xảy ra 20 vụ cháy do sự cố "đèn trời" gây ra trong đó Hà Nội chiếm 7 vụ, có những vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng.
Thực tế, "đèn trời" được thả từ xa xưa nhưng có kỹ thuật được làm bằng giấy dó, khung tre, nến đốt làm bằng mỡ động vật, khi thả đèn trời trong không trung đèn tự tắt rồi rơi xuống, khả năng an toàn cao trong điều kiện chưa có điện thắp sáng. Ngày nay "đèn trời" làm bằng vật liệu dễ cháy, sơ sài, không đúng kỹ thuật, chất đốt làm bằng đủ loại như giẻ tẩm dầu, cao su, nhựa, nilon… Khi thả "đèn trời" thực chất là sử dụng lửa trần, phụ thuộc vào gió, nên con người không thể kiểm soát, chế định được. Khi xảy ra sự cố khó truy nguyên đối tượng sử dụng. Do hệ luỵ trên nên thời gian gần đây, việc cháy nổ do đốt và thả "đèn trời" ngày càng gia tăng, hậu quả gây thiệt hại đáng kể trên diện rộng ở nhiều tỉnh, thành phố.
Trước tình hình trên, một số tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hoà… đã có văn bản chỉ đạo không đốt và thả "đèn trời" trong dịp Lễ Tết, Lễ hội…
Như vậy, xét về mối quan hệ giữa nhu cầu giải trí và sự an toàn trong đời sống sinh hoạt, lao động sản xuất, bảo vệ tài sản của Nhà nước và tài sản tính mạng của nhân dân thì nguy cơ cháy nổ do đốt và thả "đèn trời" đã gây thiệt hại lớn và vẫn tiềm ẩn những hệ luỵ nghiêm trọng khó có thể lường trước được. Vì vậy, các Bộ, ngành, địa phương thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định về việc nghiêm cấm sản xuất, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán đốt và thả “đèn trời”.
Theo Mai Linh (chinhphu.vn)
(Nguồn: Quyết định 95/2009/QĐ-TTg)