Thông tư quy định rõ kể từ ngày 01/01/2010 những đối tượng sau nếu không đăng ký thông tin thuê bao theo quy định hoặc cung cấp thông tin không chính xác sẽ bị chấm dứt hoạt động, muốn sử dụng lại phải làm thủ tục như đối với thuê bao mới: chủ thuê bao bắt đầu sử dụng dịch vụ DĐTT; chủ thuê bao DĐTT đang được mở hai chiều; đã bị khóa một chiều hoặc đã bị khóa hai chiều nhưng còn trong thời gian 30 ngày kể từ ngày bị khóa, được giữ số thuê bao theo quy định và đăng ký sử dụng lại; chủ thuê bao DĐTT thay đổi thông tin thuê bao đã đăng ký. Mỗi cá nhân được đăng ký tối đa ba số thuê bao DĐTT của mỗi mạng thông tin di động (trừ trường hợp cá nhân là người đứng tên đại diện cho cơ quan, tổ chức)
Việc đăng ký thông tin thuê bao được thực hiện trực tiếp tại điểm giao dịch được ủy quyền thông qua Bản khai thông tin thuê bao DĐTT, tối thiểu phải có những thông tin sau: số máy thuê bao đầy đủ; họ tên và ngày tháng năm sinh, số và nơi cấp chứng minh thư hoặc hộ chiếu của chủ thuê bao. Đối với chủ thuê bao là người nước ngoài phải kê khai thêm quốc tịch; chủ thuê bao là người đại diện cho cơ quan, tổ chức phải kê khai thêm tên gọi và địa chỉ giao dịch của cơ quan, tổ chức; người dưới 14 tuổi phải có bố mẹ hoặc người giám hộ theo quy định của pháp luật đứng bảo lãnh đăng ký. Thông tin thuê bao chỉ được sử dụng, cung cấp với mục đích phục vụ cho công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; công tác quản lý về mạng lưới, dịch vụ và quản lý tài nguyên viễn thông; hoạt động quản lý, khai thác mạng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp thông tin di động.
Thông tư cũng nghiêm cấm các hành vi sử dụng chứng minh thư, hộ chiếu của mình để đăng ký thông tin thuê bao cho người khác và ngược lại; kích hoạt dịch vụ di động trả trước cho thuê bao khi chủ thuê bao chưa thực hiện việc đăng ký thông tin thuê bao theo quy định; lưu thông trên thị trường những SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ DĐTT; tiết lộ, sử dụng thông tin thuê bao DĐTT trái pháp luật.
Bạch Nhi
(Nguồn Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT)