Theo dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Dương, xu thế thời tiết, thủy văn mùa mưa, bão, lũ năm 2025 diễn biến phức tạp. Mùa mưa năm 2025 sẽ đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm,dự báo mùa mưa bắt đầu vào khoảng tuần cuối tháng 4 và kết thúc muộn vào khoảng tuần cuối tháng 11.
Để chủ động phòng ngừa và sẵn sàng ứng phó có hiệu quả với diễn biến bất thường của thiên tai, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tiếp tục chủ động, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành, quản lý Nhà nước về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, kịp thời thông tin đến người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh, ứng phó. Chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại do dông, lốc xoáy, sét và mưa đá gây ra trên địa bàn tỉnh trong thời điểm chuyển mùa, các tháng đầu mùa mưa và sau các đợt giảm mưa.
Tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn kỹ năng phòng, tránh dông, lốc xoáy, sét và mưa đá trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và thực hiện. Củng cố, kiện toàn, phân công nhiệm vụ cho các thành viên Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp, các ngành theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với quy định hiện hành và phương án sắp xếp tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị tỉnh.
Giao Sở Nông nghiệp và Môi trường - Thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở ngành, địa phương kiểm tra, đánh giá hiện trạng các công trình phòng, chống thiên tai trước, trong và sau mùa mưa lũ năm 2025, đặc biệt là hệ thống đê bao, hồ đập, công trình phòng chống sạt lở, tiêu thoát nước, hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc, các tuyến đường thường xuyên bị ngập sâu,… Xác định các vị trí trọng điểm, xung yếu, bố trí nguồn lực để xử lý đảm bảo an toàn, tổ chức tuần tra, canh gác, phát hiện, giải quyết kịp thời các sự cố hư hỏng có thể xảy ra; sẵn sàng các kịch bản, phương án bảo vệ an toàn công trình, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân khu vực chịu ảnh hưởng, kể cả tình huống sự cố đê bao, hồ đập, xả lũ khẩn cấp.
Đồng thời tổ chức hướng dẫn điều chỉnh cơ cấu cây trồng, mùa vụ, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp phù hợp với tình hình, đặc điểm tự nhiên, tình hình thiên tai, biến đổi khí hậu của địa phương đảm bảo hiệu quả, bền vững…
Chỉ thị