Tham dự có bà Trần Đỗ Quyên – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương; bà Phan Khánh Duyên – Phó Giám đốc Sở Công Thương cùng lãnh đạo các sở, ban ngành và các doanh nghiệp gỗ, thép và dệt may trên địa bàn tỉnh.

Bà Trần Đỗ Quyên – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội thảo
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, hoạt động xuất khẩu của tỉnh Bình Dương ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt trong các ngành gỗ, thép và dệt may - những ngành đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu và tạo việc làm cho hàng vạn lao động địa phương. Tuy nhiên, cùng với cơ hội, các doanh nghiệp cũng đang đối diện với không ít thách thức, trong đó có nguy cơ bị điều tra và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại từ phía nước ngoài.

Bà Phan Khánh Duyên – Phó Giám đốc Sở Công Thương phát biểu tại Hội thảo
Trước tình hình đó, việc tăng cường năng lực cảnh báo sớm, chủ động ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại là hết sức cấp thiết. Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại – được Chính phủ phê duyệt triển khai theo Quyết định số 316/QĐ-TTg là một công cụ hỗ trợ hữu hiệu giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực tự bảo vệ mình trên thị trường quốc tế.

Đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp được nghe các chuyên gia đến từ Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương chia sẻ về những biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay thế giới đang áp dụng, thực tiễn điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại với sản phẩm gỗ, thép và sản phẩm dệt may xuất khẩu của Việt Nam. Từ đó hướng dẫn doanh nghiệp khai thác thông tin, dữ liệu của Hệ thống cảnh báo sớm để hạn chế rủi ro về phòng vệ thương mại.
Đây là những thông tin, dữ liệu cần thiết để giúp các doanh nghiệp ngành thép, gỗ và dệt may tại tỉnh Bình Dương chủ động nhận diện rủi ro, sớm có các biện pháp ứng phó kịp thời, phù hợp.


Các đại biểu tham dự Hội thảo