Tham dự có PGS.TS Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh; PGS.TS Hoàng Vĩnh Long - Vụ Địa phương II Văn phòng Trung ương Đảng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.Hồ Chí Minh; PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; TS. Trần Du Lịch – Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia; PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh - Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật TP.Hồ Chí Minh; PGS.TS Nguyễn Văn Trình - nguyên Giám đốc Học viện Cán bộ TP.Hồ Chí Minh; TS.Mai Hữu Tín - Chủ tịch Liên đoàn doanh nghiệp tỉnh Bình Dương; TS.Trương Minh Huy Vũ - Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế TP.Hồ Chí Minh; cùng lãnh đạo các sở, ban ngành, đoàn thể tỉnh, các huyện, thành phố; các doanh nghiệp tiêu biểu, Hiệp hội ngành hàng của tỉnh và Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI); lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí.
Mục tiêu tăng trưởng đạt từ 10%
Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá một cách toàn diện, khách quan về bối cảnh kinh tế của quốc gia, khu vực trong năm 2024 và những tháng đầu năm 2025 để cùng nhận định những thuận lợi, khó khăn, cơ hội và thách thức đặt ra cho Bình Dương trong thời gian tới. Tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp đột phá, sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Trên cơ sở đó hoàn thiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 của tỉnh, tạo cơ sở vững chắc để Bình Dương hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng kinh tế hai con số cho năm 2025 và duy trì tăng trưởng hai con số trong giai đoạn 2026-2030.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh cho biết, Bình Dương là mảnh đất "vàng" của miền Đông Nam bộ, một trung tâm công nghiệp, một điểm đến hấp dẫn của dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước. Với vị trí địa lý chiến lược, hạ tầng đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng và đặc biệt là sự năng động, sáng tạo của chính quyền và nhân dân, Bình Dương đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, trở thành một trong những tỉnh có động lực tăng trưởng mạnh mẽ hàng đầu cả nước, thu hút đầu tư và đóng góp vào ngân sách nhà nước.
Trong những năm qua, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của tình hình kinh tế thế giới và khu vực, Bình Dương vẫn kiên cường, vững vàng vượt qua khó khăn, mức tăng trưởng GRDP năm 2024 đạt 7,48%. Đây là kết quả đáng khích lệ, thể hiện sự nỗ lực, quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân tỉnh nhà.
Tuy nhiên, bước sang năm 2025, Bình Dương đang đứng trước những cơ hội và thách thức đan xen. Dự báo tình hình kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động khó lường, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị ảnh hưởng, lạm phát tuy có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, cùng với đó là những thách thức nội tại của nền kinh tế như chuyển đổi số, phát triển bền vững, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực…
Trong bối cảnh đó, cùng đồng lòng bước vào kỷ nguyên chuyển mình của quốc gia, Bình Dương cùng với nhiều địa phương trong cả nước đã đặt ra mục tiêu đầy tham vọng: đạt mức tăng trưởng kinh tế hai con số trong năm 2025. Đây là một mục tiêu đầy thách thức nhưng cũng thể hiện khát vọng vươn lên mạnh mẽ, quyết tâm đưa Bình Dương tiếp tục bứt phá, khẳng định vị thế là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước.
Toàn cảnh Hội thảo
Trình bày Kế hoạch tăng trưởng kinh tế hai con số năm 2025 của tỉnh Bình Dương, ông Nguyễn Thanh Toàn – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Dự kiến kịch bản tăng trưởng của tỉnh trong năm 2025 với tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 10%, riêng ngành công nghiệp tăng trưởng trên 12% và dịch vụ tăng trên 10% so với cùng kỳ năm 2024; quy mô nền kinh tế tỉnh ước đạt trên 572.442 tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt trên 195 triệu đồng/người.
Cơ cấu các ngành kinh tế có bước chuyển dịch mạnh mẽ, trong đó: khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 65,01%; dịch vụ tăng 25,20%; nông, lâm, thủy sản tăng 2,61%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,18%.
Kim ngạch xuất - nhập khẩu tăng tối thiểu 10%/năm, đạt lần lượt khoảng 38.000 triệu đô la Mỹ xuất khẩu và 26.800 triệu đô la Mỹ nhập khẩu.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 179.798 tỷ đồng tăng tối thiểu 11%/năm, đạt 31,4% GRDP toàn tỉnh. Trong đó, dự kiến tập trung mọi nguồn lực đầu tư khoảng 36.000 tỷ đồng cho khu vực đầu tư công. Tổng thu ngân sách đạt 80.725 tỷ đồng. Tổng chi ngân sách địa phương đạt 52.488 tỷ đồng, trong đó chi cân đối ngân sách địa phương đạt 28.706 tỷ đồng.
Nâng cấp các đột phá phát triển
Hội thảo đã tập trung thảo luận, đề xuất các giải pháp đột phá, sáng tạo nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước đã cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các cơ chế, chính sách nhằm tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, khơi thông các nguồn lực cho phát triển.
PGS. TS Vũ Hải Quân - Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh phát biểu tại Hội thảo
Ông Phạm Ngọc Thuận - Tổng Giám đốc Becamex IDC phát biểu tại Hội thảo
TS.Trần Du Lịch cho rằng, việc đặt mục tiêu tăng trưởng hai con số trong năm 2025 cho thấy quyết tâm chính trị của Đảng bộ và chính quyền tỉnh. Tuy nhiên, đây là thách thức rất lớn, nếu xét cả mặt khách quan và chủ quan tác động đến tăng trưởng GRDP trong năm 2025.
Theo ông, tỉnh cần tập trung nâng cấp "3 đột phá" trong kỷ nguyên mới để hướng tới mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn 10 năm tiếp theo. Đó là, đột phá về thể chế và môi trường đầu tư: Tỉnh cần tận dụng chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính mang tính cách mạng hiện nay và phương châm chỉ đạo về phân cấp phân quyền " địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm" xây dựng nền công vụ hiệu năng, hiệu quả hiệu lực của chính quyền địa phương. Trên cơ sở quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt, cần xây dựng và minh bạch hóa các dự án đầu tư theo phương châm " chính quyền kiến tạo phát triển" với công cụ số hóa toàn bộ quy trình thủ tục và dịch vụ hành chính công.
Trong thời gian qua, Bình Dương đi đầu trong quá trình hình thành "vành đai công nghiệp" của Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, nhưng trong tương lai đòi hỏi Bình Dương phải cơ cấu lại các ngành công nghiệp trong các khu công nghiệp, tăng hàm lượng giá trị gia tăng và gắn việc cơ cấu lại các khu công nghiệp với phát triển đô thị. Đây cũng chính là động lực để tăng tỷ trọng khu vực thương mại - dịch vụ.
TS. Trần Du Lịch – Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia phát biểu tại Hội thảo
Song song đó, cần tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông kết nối Vùng, nhất là giao thông kết nối với cụm cảng biển và cửa ngõ hàng không quốc tế. Hiện nay giao thông đường bộ kết nối vùng cơ bản đang triển khai và sẽ triển khai trong tương lai gần như đường Vành đai 3, Vành đai 4; cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành... Tuy nhiên tư duy mới trong xây dựng giao thông đô thị là kết nối mô hình TOD, nhất là đường sắt đô thị. Trước mắt cần thực hiện ngay tuyến đường sắt đô thị nối Thành phố mới Bình Dương với ga Suối Tiên TP.Hồ Chí Minh (khoảng hơn 30 km) theo mô hình TOD. Kiến nghị cấp có thẩm quyền cho cơ chế, chính sách đặc thù để hoàn thành hệ thống đường sắt đô thị trong 10 năm tới.
Bên cạnh đó, ông cũng gợi ý những giải pháp tình thế nhằm tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế: Tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý trong các dự án đầu tư để hấp thu nhanh vốn vào nền kinh tế, trong đó có các dự án về bất động sản. Trong năm 2025, giải ngân vốn đầu tư công phải tăng 20% trở lên mới đóng góp đáng kể cho tăng GRDP năm 2025 và tạo đà cho các năm sau. Chủ động phối hợp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn thực hiện cơ chế "liên kết ngân hàng-doanh nghiệp"để kích cầu đầu tư và kích cầu tiêu dùng. Sử dụng ngân sách Nhà nước để hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
Công nghiệp Bình Dương đóng góp gần 2/3 cơ cấu kinh tế và là nền công nghiệp hướng vào xuất khẩu. Tuy nhiên, trong 4 năm qua xuất khẩu trên địa bàn thiếu ổn định và không thể hiện xu hướng tăng trưởng. Cần có một chương trình xuất khẩu cho tỉnh trong giai đoạn 2025-2030 với các giải pháp đồng bộ. Muốn tăng GDRP 9-10% Bình Dương cần xây dựng chương trình xuất khẩu với kịch bản khoảng 15%.
Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Minh trao đổi với các chuyên gia, doanh nghiệp bên lề Hội thảo
Trong khi đó, đại diện Viện nghiên cứu phát triển TP.Hồ Chí Minh – TS.Trương Minh Huy Vũ cho rằng, cần xem xét đặt lại tăng trưởng của Bình Dương 2025 cao hơn 1,3-1,5 lần mức tăng trưởng bình quân của cả nước, và 1,0-1,2 lần của cả vùng Đông Nam bộ thông qua cơ chế "khoán tăng trưởng" giữa Trung ương và địa phương. Trong đó chỉ tiêu tăng trưởng có trọng số quan trọng, nhưng cũng cần đi cùng với những chỉ tiêu khác như chất lượng tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, các chỉ tiêu theo Nghị quyết 57 về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Bình Dương cần chuẩn bị những kịch bản khác nhau, đặc biệt là kịch bản quản lý rủi ro trong lĩnh vực xuất khẩu trong năm 2025. Với tình hình hiện tại của thế giới thì các khu vực khác sẽ gặp khó khăn trong thị trường xuất khẩu dẫn đến công nghiệp, chuỗi cung ứng, dịch vụ kho bãi của Bình Dương và Vùng cũng sẽ gặp khó khăn. Quyết tâm tăng trưởng hai con số tỷ lệ thuận với nguồn lực Nhà nước đủ mạnh về quy mô và hiệu quả, hiệu năng. Đối với đầu tư công chủ yếu đầu tư vào kết cấu hạ tầng, đường xá, nhà ở, đầu tư hạ tầng số sẽ tạo nền móng phát triển cho Bình Dương và Vùng Đông Nam bộ từ 2025 đến những năm tiếp theo.
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững và nhanh chóng, theo ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT, công nghệ là "chìa khóa" để Bình Dương bứt phá. Theo ông, cần đẩy mạnh cải cách thể chế bằng cách xây dựng các quy định và chính sách ưu đãi rõ ràng, minh bạch nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong nước và quốc tế đầu tư vào các ngành công nghệ cao. Đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng số, xây dựng hệ thống trung tâm dữ liệu, mạng lưới logistics thông minh và các khu công nghiệp số hóa để tối ưu hóa hiệu suất kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh.
Để phát triển nguồn nhân lực, tỉnh cần tăng cường đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn và thu hút, giữ chân nhân tài bằng các chính sách phúc lợi hấp dẫn. Thúc đẩy chuyển giao công nghệ là một yếu tố quan trọng, thông qua việc hợp tác với các trung tâm công nghệ toàn cầu và thiết lập các nền tảng kết nối doanh nghiệp với viện nghiên cứu, nhà cung cấp công nghệ. Bình Dương cần đầu tư vào xây dựng môi trường sống hấp dẫn với các tiện ích đô thị thông minh, văn hóa, giáo dục và giải trí chất lượng cao để nâng cao chất lượng sống và tạo ra điều kiện làm việc lý tưởng.
PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu tại Hội thảo
Thống nhất với các ý kiến phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, mục tiêu tăng trưởng hai con số là động lực để tỉnh phấn đấu, tuy nhiên cần lưu ý không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá mà phải hướng tới phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo. Phải có sự thống nhất, thoả thuận và cam kết giữa Trung ương và địa phương; tháo mở về cơ chế, chính sách trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng. Ông kỳ vọng những chiến lược phát triển giai đoạn mới sẽ giúp Bình Dương không chỉ trở thành trung tâm kinh tế động lực mà còn tạo dựng một tương lai bền vững và thịnh vượng cho tỉnh trong dài hạn.