Cùng tham dự có Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên; lãnh đạo các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương vùng Đông Nam bộ.
Về phía tỉnh Bình Dương, tham dự có Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà và lãnh đạo các sở, ban ngành.
Tăng tốc, bứt phá trong năm 2025
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, năm 2025, phải tăng tốc, bứt phá, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội cả nhiệm kỳ 2021-2025, phấn đấu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 8%; thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đồng thời chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV.
Hội nghị lần này tập trung rà soát, đánh giá việc triển khai các công việc đã thống nhất sau Hội nghị lần thứ 4, rút ra các bài học kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ đạo để làm tốt hơn sau mỗi hội nghị, vướng mắc phải giải quyết, khó khăn phải vượt qua; góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam bộ với mục tiêu tăng trưởng 2 con số, toàn diện, bao trùm, chất lượng, bền vững trong giai đoạn tới. Đây là thách thức rất lớn nhưng cơ hội cũng không ít, vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ với Đông Nam bộ là vùng kinh tế trọng điểm, đóng góp rất lớn cho cả nước.
Trong đó tìm ra các giải pháp đột phá phát triển lĩnh vực logistics; xây dựng trung tâm tài chính TP.Hồ Chí Minh; xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ; cơ bản hoàn thành sân bay Long Thành trong năm 2025 với hệ thống giao thông kết nối, hệ sinh thái sân bay hoàn chỉnh; triển khai dự án đường Vành đai 3 và thúc đẩy triển khai đường Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, đường cao tốc từ Đắk Nông qua Bình Phước tới Bình Dương, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Mộc Bài kết nối với Campuchia; kết nối hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, phát triển nguồn nhân lực.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP
Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân của vùng Đông Nam bộ đang có xu hướng chậm lại, thấp hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước. GRDP vùng năm 2024 ước đạt 6,38%, thấp hơn mức bình quân chung cả nước (6,8%-7%); đứng thứ 4 so với 6 vùng kinh tế.
Tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2024 ước đạt hơn 733.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 42,2% tổng thu Ngân sách nhà nước của cả nước, tăng 3,6% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Hoạt động xuất khẩu của vùng phục hồi tích cực, giá trị xuất khẩu ước đạt 115,7 tỷ đô la Mỹ, chiếm 31% tổng giá trị xuất khẩu của cả nước
Vùng Đông Nam bộ tiếp tục dẫn đầu cả nước về cả số dự án và tổng số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tính đến 31/10/2024, tương ứng 21.174 dự án và hơn 189 tỷ đô la Mỹ.
Theo đánh giá, khu vực Đông Nam bộ hiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hạ tầng giao thông chưa theo kịp tốc độ phát triển kinh tế, giao thông kết nối giữa các địa phương với TP.Hồ Chí Minh chưa hoàn chỉnh, thiếu đồng bộ. Giải ngân đầu tư công chưa đạt tiến độ yêu cầu, các vướng mắc về giải ngân đầu tư công còn chậm tháo gỡ.
Công nghiệp là một trong 3 trụ cột quan trọng của vùng nhưng phát triển còn thiếu bền vững, phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.
Hạ tầng giao thông kết nối cảng đang là điểm nghẽn; chưa hình thành được hệ sinh thái dịch vụ logistic đa dạng tại vùng Đông Nam bộ nhằm đáp ứng nhu cầu lưu chuyển hàng hóa của cả vùng.
Do đó, phải sớm đánh giá nguyên nhân và có các giải pháp khắc phục kịp thời để đạt được mục tiêu đề ra trong cả nhiệm kỳ.
Toàn cảnh hội nghị
Hội nghị đã tập trung thảo luận, đề ra một số giải pháp và nhiệm vụ cần thực hiện trong năm 2025. Theo đó, các Bộ, địa phương tăng cường giải ngân số vốn đã được giao, sớm đưa nguồn vốn hấp thụ vào nền kinh tế; nghiên cứu, lựa chọn các dự án vùng và có tính chất vùng quan trọng, cấp bách để ưu tiên nguồn vốn bố trí trong kế hoạch trung hạn 2026-2030.
Các Bộ nghiên cứu đề xuất các chuyên đề triển khai liên kết vùng để thực hiện trong 2025. Các địa phương có nguồn thu lớn cần tập trung nguồn lực cùng với nguồn ngân sách Trung ương cho các dự án để tăng tốc, bứt phá, tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng vùng giai đoạn tới.
Bình Dương kiến nghị giải pháp khơi thông nguồn lực
Thảo luận tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà đã thông tin một số kết quả nổi bật trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2024. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước tăng 8,01%, đứng thứ 02/6 địa phương trong vùng; GRDP bình quân đầu người đạt 182,6 triệu đồng, tăng 13,8 triệu đồng so với năm 2023. Thu ngân sách 71.234 tỷ đồng, đạt 110%, vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao. Thu hút đầu tư nước ngoài ước đạt trên 2 tỷ đô la Mỹ, vượt chỉ tiêu đề ra. Kim ngạch xuất khẩu đạt 34,5 tỷ đô la Mỹ, kim ngạch nhập khẩu đạt 24,5 tỷ đô la Mỹ, tăng cao so với cùng kỳ và vượt chỉ tiêu. Tiếp tục duy trì thặng dư thương mại trên 10 tỷ đô la Mỹ.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi tham dự hội nghị
Tỉnh ủy Bình Dương xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2025 phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng đạt từ 10% trở lên; tập trung huy động tối đa các nguồn lực, thu ngân sách đạt trên 94.000 tỷ đồng, chi đầu tư công 36.000 tỷ đồng (trong đó có 10.000 tỷ đồng tạm ứng quỹ cải cách tiền lương và 4.000 tỷ đồng ngân sách Trung ương hỗ trợ đường cao tốc Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành), để tạo bứt phá trong đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối vùng. Đặc biệt là đầu tư hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, các cầu vượt, nút giao để kết nối thông suốt với TP.Hồ Chí Minh và hệ thống cảng biển, sân bay quốc tế với một số công trình ưu tiên: Đường và cầu vượt sông Đồng Nai nối từ sân bay Biên Hòa qua Dĩ An đến đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh; đường ven sông Sài Gòn kết nối từ TP.Thủ Dầu Một, Bình Dương đến TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh; nút giao Sóng Thần và nâng cấp mở rộng đường An Bình kết nối cầu vượt Sóng Thần. Tạo kết nối từ trung tâm TP.Dĩ An đến TP.Thủ Đức; đường và cầu kết nối TP.Thuận An với quận 12 TP.Hồ Chí Minh qua đường Vĩnh Phú 10.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, tỉnh Bình Dương kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành và cơ quan Trung ương sớm có văn bản hướng dẫn cụ thể các nội dung đã được Trung ương, Quốc hội thông qua, để khơi thông nguồn lực, chủ động bố trí vốn triển khai các công trình ngay từ đầu năm 2025.
Trong đó, ban hành cơ chế đặc thù cho vùng Đông Nam bộ dựa trên nguyên tắc vì lợi ích chung của khu vực, tận dụng được lợi thế tuyệt đối của vùng Đông Nam bộ và phải tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc tồn tại trong nhiều năm qua.
Việc đầu tư hạ tầng giao thông vùng cần nguồn lực lớn trong khi vùng Đông Nam bộ có 4/6 tỉnh, thành phố thuộc nhóm địa phương có tỷ lệ điều tiết phần ngân sách địa phương bình quân được hưởng khá thấp so với các vùng khác. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương cho phép tỉnh Bình Dương và các tỉnh, thành phố trong vùng được giữ lại toàn bộ 100% nguồn thu từ khai thác quỹ đất cũng như 100% số thu ngân sách vượt so với chỉ tiêu Trung ương giao nhằm tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển địa phương.
Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu công trình hoặc các hình thức huy động vốn không phụ thuộc vào hạn mức trần nợ công... để đầu tư mạng lưới metro và đường sắt trên địa bàn tỉnh. Lãi suất trái phiếu do địa phương tự quyết định, đảm bảo trên cơ sở khả năng thanh toán trả nợ của địa phương.
Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết thời kỳ ổn định ngân sách 2026-2030 theo hướng tăng tỷ lệ giữ lại cho địa phương ít nhất 40% để tỉnh đủ nguồn lực tạo tăng trưởng đột phá, vượt qua bẫy thu nhập trung bình và đạt được các mục tiêu tăng trưởng theo Nghị quyết 24-NQ/TW.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà phát biểu tại hội nghị
Tỉnh kiến nghị Chính phủ một số nội dung liên quan đến việc triển khai các công trình trọng điểm đường Vành đai 3, đường Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh – Thủ Dầu Một – Chơn Thành… Kiến nghị TP.Hồ Chí Minh sớm triển khai nâng tĩnh không Bình Triệu 1 và cầu Bình Phước 1, tháo gỡ nút thắt cổ chai, thúc đẩy hình thành và phát triển các hệ thống cảng theo quy hoạch, đẩy mạnh giao thông đường thủy trên 115km sông Sài Gòn từ cầu Bình Triệu về thượng nguồn, góp phần giảm áp lực giao thông vận tải đường bộ, chi phí logistics, phát huy tối đa hiệu quả vận chuyển hàng hóa bằng sà lan (03 lớp container trong một hành trình vận chuyển).
Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị các địa phương tiếp tục tăng cường, chủ động phối hợp để triển khai các nhiệm vụ theo Quy hoạch vùng và Hội đồng vùng giao, nhất là trong xử lý giao thông kết nối vùng giữa các địa phương và cùng giải quyết các vấn đề về đô thị, thoát nước,… tại các khu vực giáp ranh được đồng bộ, thông suốt.
Ông Nguyễn Lộc Hà cũng cho biết, tỉnh Bình Dương đã có quy hoạch và đang triển khai hình thành Công viên khoa học công nghệ phục vụ cho tỉnh và cả Vùng, quy mô khoảng 220 hecta tại Khu liên hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị Bình Dương với vùng lõi Khu công nghệ thông tin tập trung quy mô 15 hecta. Kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét cho Bình Dương thực hiện báo cáo sơ bộ đánh giá tác động môi trường để hoàn chỉnh thành phần hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương thành lập Khu công nghệ thông tin tập trung. Sau khi thành lập, lựa chọn nhà đầu tư, sẽ thực hiện báo cáo tác động môi trường của dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật theo đúng quy định.
Về chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, Bình Dương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành xem xét có cơ chế, chính sách cụ thể như miễn hoặc giảm 50% học phí (ngân sách Nhà nước sẽ bù đắp) đối với các ngành học thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ, đặc biệt là chíp bán dẫn, vi mạch điện tử, tự động hóa, trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, công nghệ thông tin,… để thu hút được nhiều sinh viên tham gia học tập, nghiên cứu, phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực này.
Hiện Bình Dương có 03 trường Đại học (Việt Đức, Quốc tế Miền Đông, Thủ Dầu Một) có thể tham gia vào chương trình đào tạo 50.000 kỹ sư phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn theo chương trình "Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050" được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông cho phát triển; làm mới 3 động lực tăng trưởng truyền thống là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng; thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành mới nổi; thay đổi, cơ cấu lại công tác quản trị theo hướng thông minh, sử dụng công nghệ số; tăng cường quản lý an ninh, trật tự, chống tiêu cực, lãng phí; nghiên cứu, đề xuất các cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn cho phát triển.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo cụ thể giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy các dự án trọng điểm trong Vùng. Trong đó, dự án đường Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh do UBND Thành phố Hồ Chí Minh là chủ quản đầu tư, quyết định chia tách các dự án thành phần cho các địa phương và có cơ chế chính sách phù hợp để triển khai, hoàn thành thủ tục trong quý 1/2025.
Thủ tướng yêu cầu trong triển khai các nội dung đã thống nhất tại hội nghị cần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, tổ chức thực hiện kịp thời, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần "dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung"; "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả"; "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, thì chỉ bàn làm, không bàn lùi"; không để trì trệ, nếu có vướng mắc thì phải đề xuất.
Thủ tướng tin tưởng, với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, hệ thống chính trị và nhân dân các tỉnh sẽ thực hiện thành công mục tiêu đề ra; cùng cả nước bước sang kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, giàu mạnh và thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.