Tham dự có Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; lãnh đạo các Bộ, ban ngành.
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại Trụ sở Chính phủ với điểm cầu 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Toàn cảnh hội nghị tại Hà Nội
Tham dự tại điểm cầu Bình Dương có ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện các sở, ban, ngành của tỉnh.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Bình Dương
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, năm 2024, công tác ngoại giao kinh tế đã được triển khai với tinh thần quyết liệt, chủ động, mở ra nhiều hướng đi mới, mang tính đột phá, đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp ngày càng thực chất, hiệu quả hơn vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.
Trong gần 60 hoạt động đối ngoại của lãnh đạo chủ chốt trong năm 2024, nội dung kinh tế đã trở thành trọng tâm, mang lại các kết quả cụ thể, thực chất. Hơn 170 thỏa thuận hợp tác đã được ký kết nhân dịp các hoạt động cấp cao. Qua các hoạt động trao đổi cấp cao và các cấp đã thúc đẩy, làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống thông qua đẩy mạnh hợp tác về thương mại, đầu tư, du lịch, lao động với các thị trường lớn, các đối tác đầu tư chủ chốt, quan trọng, nhất là khu vực Đông Bắc Á.
Chủ động thúc đẩy mạnh mẽ hợp tác quốc tế về khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh. Thúc đẩy ngoại giao công nghệ, ngoại giao bán dẫn với các đối tác chủ chốt và các tập đoàn công nghệ hàng đầu.
Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa đối tác, tiếp tục khai thác hiệu quả các thị trường truyền thống, triển khai quyết liệt việc tạo đột phá ở các thị trường mới, tiềm năng. Phát huy vai trò chủ động, tham gia tích cực, đóng góp thực chất tại các diễn đàn đa phương quốc tế và khu vực, góp phần nâng cao uy tín và vị thế của đất nước, thu hút nguồn lực phục vụ phát triển.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định, ngoại giao kinh tế là một động lực quan trọng và phải luôn được làm mới. Đặc biệt là các động lực như kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, đầu tư trực tiếp và ngoài nước; có cơ chế đẩy mạnh tiêu dùng trong nước; xây dựng và giữ vững thương hiệu; thu hút đầu tư thực chất hiệu quả hơn; phát triển thị trường cạnh tranh bền vững, đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm; đẩy mạnh ngoại giao và mở rộng hợp tác công nghệ.
Thủ tướng Chính phủ đề nghị trong năm 2025, cần tiếp tục đẩy mạnh ngoại giao kinh tế trong các hoạt động đối ngoại cấp cao; xây dựng các kế hoạch cụ thể, thành lập cơ chế trao đổi với các đối tác về đẩy mạnh triển khai các cam kết thoả thuận cấp cao đã đạt được; tạo đột phá trong quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư; đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới...