Hội nghị được trực tuyến đến nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tại điểm cầu Bình Dương có sự tham gia của đại diện các sở, ngành của tỉnh.
Toàn cảnh hội nghị tại Hà Nội
Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Bình Dương
Hội nghị tập trung thảo luận các vấn đề: Tiềm năng thị trường Halal toàn cầu và cơ hội tham gia của Việt Nam; tiềm năng thị trường Halal thế giới và cơ hội hợp tác giữa WHC và Việt Nam; tiềm năng và định hướng phát triển ngành Halal của địa phương…
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện Việt Nam có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu ở thị trường Halal, với nhiều mặt hàng tiêu biểu xuất khẩu Top đầu thế giới như: Gạo, chè, điều, cà phê, hồ tiêu, tôm, cá...
Năm 2023, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam với 10 đối tác thương mại lớn là thành viên Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) đạt 45,7 tỷ đô la Mỹ.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam coi Halal là "cơ hội vàng", là định hướng mới trong hoạt động sản xuất, là "nội hàm hợp tác kinh tế quan trọng, trụ cột mới, động lực mới" trong phát triển quan hệ với các nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Định hướng hợp tác thời gian tới, Thủ tướng đề nghị cần thực hiện "5 đẩy mạnh" để phát huy nội lực và hợp tác quốc tế về Halal: Đẩy mạnh hợp tác chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hỗ trợ Việt Nam về hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, quản lý Nhà nước liên quan đến Halal, hoàn thiện bộ tiêu chuẩn Halal quốc gia; hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực, đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Halal quy mô lớn và phục vụ xuất khẩu sản phẩm, dịch vụ của Việt Nam. Đồng thời đẩy mạnh đàm phán, ký kết các thỏa thuận, hiệp định, bản ghi nhớ hợp tác, các thỏa thuận công nhận và thừa nhận lẫn nhau về chứng nhận Halal; đẩy mạnh các đối tác khu vực, quốc tế đến đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam trong các lĩnh vực liên quan Halal; quảng bá, xúc tiến sản phẩm, dịch vụ và thương hiệu Halal Việt Nam và mở cửa các thị trường cho các sản phẩm Halal xuất khẩu của Việt Nam; đẩy mạnh giao lưu nhân dân, hợp tác trao đổi văn hóa.
Tại hội nghị đã diễn ra lễ trao các văn kiện hợp tác giữa các cơ quan Việt Nam và các đối tác trong lĩnh vực Halal trên thế giới.
Lễ trao văn kiện hợp tác giữa các quốc gia
Halal theo ngôn ngữ Ả Rập có nghĩa là "hợp pháp" hoặc "được phép dùng". Theo Luật Hồi giáo, tất cả các nguồn thực phẩm đều hợp pháp ngoại trừ nguồn là các loài động vật hoặc sản phẩm động vật bị cấm kỵ (Haram). Các sản phẩm và dẫn xuất của chúng cũng bị coi là bất hợp pháp.
Một số sản phẩm đặc biệt đạt chuẩn Halal là sữa (bò, cừu, lạc đà, dê), mật ong, cá, rau tươi hoặc hoa quả khô; các loại hạt như đậu phộng, hạt điều, hạt phỉ; các loại ngũ cốc như lúa mì, gạo, lúa mạch…