Tham dự có ông Mai Hùng Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; bà Susan Burns - Tổng Lãnh sự Hoa Kỳ tại TP.Hồ Chí Minh; ông Giang Quốc Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Becamex IDC; đại diện lãnh đạo các sở, ban ngành; các doanh nghiệp Hoa Kỳ, công ty tư vấn năng lượng và môi trường, các tổ chức hỗ trợ quốc tế.
Bình Dương hướng tới Net Zero
Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Mai Hùng Dũng cho biết, Hội thảo nhằm mục đích thảo luận về các công nghệ năng lượng sạch hỗ trợ sự phát triển bền vững của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất, tập trung vào các công nghệ tiết kiệm năng lượng và các giải pháp khử Carbon; trao đổi ý tưởng giữa các chuyên gia Hoa Kỳ, Việt Nam và các nhà lãnh đạo ngành năng lượng; quảng bá các sản phẩm, dịch vụ, chuyên môn và kinh nghiệm của các công ty Hoa Kỳ trong các lĩnh vực hiệu quả năng lượng, triển khai năng lượng tái tạo và khử carbon trong lĩnh vực sản xuất.
Đại biểu tham dự Hội thảo
Để thích nghi với những biến động, được tạo ra bởi các yếu tố địa chính trị và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 gây ra những biến số khó lường, Bình Dương đã và đang phát triển một hệ sinh thái kiểu mới – Mô hình phát triển mới, bổ sung cho mô hình Công nghiệp – Đô thị - Dịch vụ, đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ, xây dựng các khu công nghiệp thông minh, đô thị thông minh sinh thái, bền vững, đưa nền công nghiệp Bình Dương đi lên phân khúc cao hơn, từng bước xây dựng động lực phát triển kinh tế mới thay thế cho thâm dụng lao động và thâm dụng đất đai, tham gia tích cực vào quá trình hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.
Ông Mai Hùng Dũng – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh phát biểu tại Hội thảo
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, bài toán hướng tới phát thải ròng bằng 0 không chỉ giải quyết vấn đề về môi trường và phát triển bền vững, mà còn là một bài kiểm tra về năng lực quản trị của địa phương. Với vai trò trung tâm sản xuất lớn của Việt Nam, Bình Dương cam kết sẽ tham gia sâu rộng vào quá trình đưa phát thải ròng về bằng 0, với mong muốn góp sức mình xây dựng một tương lai bền vững cho Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.
Ông Nguyễn Thế Duy - Giám đốc Thị trường tiếng Anh, Tổng công ty Becamex IDC chia sẻ các cơ hội phát triển năng lượng sạch tại các khu công nghiệp do Becamex IDC đầu tư
Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, đại diện Becamex IDC cho biết, tỉnh Bình Dương đang hướng đến xây dựng hệ thống môi trường bền vững theo lộ trình Net Zero của Chính phủ. Theo đó, tỉnh đang thực hiện chính sách ứng dụng công nghệ, thực hiện phát triển xanh với việc chuyển đổi sang mô hình khu công nghiệp sinh thái - cộng sinh công nghiệp, quy hoạch giao thông thông minh, công nghệ thông minh, phát triển xanh với việc phục hồi các hành lang kênh rạch, công viên dọc sông, thiết lập các vành đai xanh song hành với phát triển đô thị - công nghiệp…
Bình Dương đặt mục tiêu chuyển đổi khu công nghiệp (KCN) và phát triển KCN sinh thái, cụ thể như: Tối thiểu 20% doanh nghiệp trong KCN phải áp dụng giải pháp sử dụng nguồn tài nguyên hiệu quả, sản xuất sạch, dành tối thiểu 25% diện tích KCN cho cây xanh, giao thông, hạ tầng dịch vụ dùng chung, bảo đảm nhà ở và các công trình xã hội, văn hóa, thể thao cho người lao động. Cùng với đó, duy trì và phát triển hành lang sinh thái, hệ thống sông ngòi, kênh rạch bảo đảm sự sống của đất, thực hiện hiệu quả mô hình đô thị công nghiệp - đô thị công nghệ dịch vụ và hệ sinh thái xanh bền vững.
Xây dựng các chính sách hỗ trợ về phát triển năng lượng sạch
Tại Hội thảo, các chuyên gia, diễn giả đã trao đổi các nội dung như: Nghiên cứu điển hình về KCN sinh thái tại Việt Nam do đại diện Becamex IDC trình bày; nghiên cứu về cơ hội phát triển KCN sinh thái tại Việt Nam; sáng kiến của IFC trong việc thúc đẩy các công trình xanh và có khả năng chống chịu tại các thị trường mới nổi; kích hoạt quá trình khử carbon của các hệ thống công nghiệp quan trọng theo hướng sứ mệnh. Các đại biểu đã cùng nhau thảo luận các vấn đề về khử carbon công nghiệp, hiệu quả năng lượng công nghiệp và các chương trình hỗ trợ tài chính quốc tế và cơ hội tài trợ xanh nhầm thúc đẩy tính bền vững trong ngành sản xuất.
Theo các chuyên gia, năm 2023, Việt Nam đã phải trải qua nhiều đợt nắng nóng cao điểm khiến nhu cầu sử dụng điện của các hộ sinh hoạt, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đều tăng cao. Chính vì vậy, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là một giải pháp thiết thực giúp cải thiện hiệu quả nền kinh tế, đồng thời giúp bảo tồn nguồn năng lượng quốc gia, bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các diễn giả thảo luận các vấn đề liên quan đến năng lượng sạch tại Hội thảo
Để thực hiện mục tiêu trên, việc các doanh nghiệp sản xuất tăng cường triển khai các giải pháp tiết kiệm năng lượng không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đầu tư, giảm chi phí vận hành mà còn góp phần quan trọng giúp giảm áp lực cung cấp điện cho hệ thống, qua đó nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh nguồn nhiên liệu, năng lượng ngày càng trở nên khan hiếm thì sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả còn góp phần giảm phụ thuộc nhập khẩu năng lượng.
Các diễn giả đã có những chia sẻ hữu ích về vai trò của việc tiết kiệm năng lượng cũng như khả năng hiện thực hoá các mục tiêu này, đặc biệt trong bối cảnh các cam kết của Việt Nam đưa phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Theo đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), các KCN có vai trò quan trọng trong việc đẩy mạnh giảm phát thải, đầu tư vào KCN xanh giúp nâng cao năng suất lao động của các doanh nghiệp trong KCN. Nhận thức được điều này, các KCN đều được đầu tư cơ sơ hạ tầng, đạt các chỉ số cải tiến. Đông Nam Á là khu vực đi đầu trong việc thúc đẩy các KCN xanh. Tại Việt Nam, WB đã phối hợp với các Bộ ngành triển khai các chương trình xanh, nghiên cứu các nguồn lực của Việt Nam để giảm thiểu khí phát thải. WB đã chọn Becamex IDC làm đối tác để triển khai các dự án xanh do Becamex IDC có nhiều KCN đang vận hành ở các địa phương và hạ tầng đầu tư hiện đại, dịch vụ chất lượng cao; sự quyết tâm để triển khai các sáng kiến xanh, cam kết với chương trình nghị sự và các KCN xanh. WB đã nghiên cứu các giải pháp trong đó có lắp điện năng lượng mặt trời áp mái trong các KCN. Các giải pháp này có thể thu lợi nhuận mà không cần tài trợ, các doanh nghiệp có thể tận dụng 19% diện tích mái nhà của KCN để tạo ra 44 MW điện, thời gian thu hồi khoảng 4,4 năm; tỷ lệ hoàn vốn nội hoạt là 18%; tạo ra 0,21 triệu tấn giảm thiểu khí CO2. Việc lắp đặt điện năng lượng mặt trời áp mái là giải pháp có thể áp dụng và mở rộng ở tất cả các KCN tại Việt Nam. Nếu triển khai giải pháp này, Việt Nam có thể giảm thiểu 5% tổng lượng phát thải nhà kính.
Tuy nhiên, hiện tại, thỏa thuận mua bán điện trực tiếp, công suất hạ tầng mạng lưới điện ở Việt Nam còn gặp nhiều khó khăn, do đó đây là nguyên nhân chưa hấp dẫn các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này. Bên cạnh đó, Việt Nam còn hạn chế trong việc tiếp cận được với nguồn tài chính xanh. Việt Nam đang tụt lại về thị trường trái phiếu xanh so với các nước trong khu vực. WB khuyến nghị, Chính phủ Việt Nam cần xây dựng khung chỉ số cải tiến (EIPs) có thể đo lường được dễ dàng; cần xây dựng bộ EIPs mẫu để giúp các nhà đầu tư so sánh; tận dụng KCN sản xuất năng lượng tái tạo thông qua các nhà đầu tư. Đồng thời cân nhắc việc đơn giản hóa quá trình cấp phép, cân nhắc điều chỉnh các quy định quản lý để giảm thiểu khó khăn trong việc triển khai tại các KCN, giúp các nhà đầu tư tiếp cận thị trường một cách tốt hơn.
Giới thiệu về chương trình hỗ trợ của V-Leep II (giai đoạn 2021 – 2025), ông Nguyễn Hải Đức cho biết, V-Leep phối hợp với Bộ Công Thương (MOIT) nhằm hỗ trợ quá trình chuyển đổi của Việt Nam sang một nền năng lượng sạch, đảm bảo an ninh và theo định hướng thị trường thông qua: Hệ thống năng lượng tiên tiến bao gồm các công nghệ mới, năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả, quản lý nhu cầu, năng lượng phân tán, ứng dụng lưới thông minh, sản xuất nhiệt điện hiệu quả… Đây là chương trình năng lượng trọng điểm của USAID tại Việt Nam do Deloitte Consulting LLP thực hiện. Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường triển khai các hệ thống năng lượng tiên tiến; thúc đẩy cạnh tranh trong lĩnh vực năng lượng; nâng cao hiệu quả hoạt động của ngành năng lượng tại Việt Nam.