Tham dự buổi làm việc còn có Thứ trưởng Bộ TTTT Phạm Đức Long, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Nguyễn Lộc Hà, lãnh đạo một số đơn vị thuộc Bộ TTTT cùng đại diện một số sở, ngành tỉnh Bình Dương.
Toàn cảnh buổi làm việc Ảnh: Lê Anh Dũng
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi khẳng định, lãnh đạo tỉnh có đủ quyết tâm, tỉnh cũng có điều kiện về hạ tầng trong việc xây dựng Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và hướng tới hình thành thành phố thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Là một tỉnh đang phát triển ở TOP đầu trong vùng và cả nước, Bình Dương cũng đã triển khai nhiều nội dung công việc về chuyển đổi số, cải cách hành chính, xây dựng Chính quyền điện tử, đô thị thông minh... Tuy vậy, địa phương vẫn đang lúng túng trong thực hiện các công việc, nhiệm vụ. Ông bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của Bộ TTTT với vai trò như một "kiến trúc sư trưởng" về công nghệ thông tin, chuyển đổi số cho tỉnh.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Lê Anh Dũng
Giải đáp nỗi trăn trở của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã giới thiệu dự thảo "Kế hoạch hành động chuyển đổi số địa phương giai đoạn 2023 – 2025" do Bộ TTTT xây dựng. Nội dung kế hoạch nêu công việc cụ thể về chuyển đổi số địa phương từ nay đến năm 2025, trong đó nêu rõ lộ trình thực hiện.
Cam kết chậm nhất là ngày 20/10/2023, Bộ TTTT sẽ ban hành hướng dẫn chuyển đổi số địa phương, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết đây là cách làm mới của Bộ, sẽ được áp dụng cho nhiều lĩnh vực khác. "Với hướng dẫn chuyển đổi số địa phương, có khoảng 50 – 60 việc, trong đó khoảng 60 -70% việc tỉnh không phải làm, mà được thực hiện từ Trung ương và doanh nghiệp. Địa phương chỉ phải làm khoảng 30%" - Bộ trưởng cho biết .
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, kế hoạch hướng dẫn chuyển đổi số địa phương sẽ sớm được Bộ ban hành để Bình Dương cũng như các tỉnh khác có thể dựa vào đó thực hiện chuyển đổi số. Ảnh: Lê Anh Dũng
Trong khuôn khổ buổi làm việc, lãnh đạo Bộ TTTT và các cơ quan tham mưu cũng thảo luận với các đơn vị của tỉnh để tìm ra hướng tháo gỡ, giải quyết một số vấn đề khác của tỉnh như: Có nên đầu tư xây dựng Khu công nghệ thông tin tập trung tại Bình Dương và quy mô của khu này thế nào là phù hợp; việc cấp phép đầu tư mạng 5G dùng riêng cho Becamex IDC phục vụ nhà máy thông minh; gỡ khó trong chia sẻ dữ liệu từ cơ sở chuyên ngành, hay khó khăn trong đầu tư Trung tâm Giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông của địa phương…
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh ý nghĩa của buổi làm việc. Đồng thời đề nghị tỉnh Bình Dương tăng cường trao đổi với Bộ về các lĩnh vực liên quan. Bộ TTTT sẵn sàng hướng dẫn, hỗ trợ tỉnh trong quá trình triển khai thực hiện.
Lãnh đạo Bộ TTTT chụp ảnh lưu niệm với Đoàn công tác tỉnh Bình Dương. Ảnh: Lê Anh Dũng