Cùng tiếp có ông Nguyễn Văn Lộc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và lãnh đạo các sở, ban ngành.
Tạo thuận lợi cho tổ chức Công đoàn hoạt động
Theo báo cáo của UBND tỉnh, Bình Dương có khoảng 2,6 triệu dân, với trên 52% là người ngoài tỉnh. Trong đó trên 1,2 triệu lao động, đa số là lao động trẻ, ngoài tỉnh; lao động nữ chiếm 56%.
Toàn tỉnh hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp đang hoạt động, thu hút trên 32.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước và gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với gần 500.000 lao động.
Với đặc điểm công nghiệp chiếm tỷ trọng cao, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chủ yếu các ngành nghề gia công, chế biến công nghiệp nhẹ với khoảng 80% lao động là người ngoài tỉnh nên sự biến động, dịch chuyển lao động hằng năm rất lớn. Vấn đề này đã tạo áp lực không nhỏ đối với chính quyền địa phương trong việc thực hiện các chính sách nhằm bảo vệ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Toàn cảnh buổi làm việc
Đại diện LĐLĐ tỉnh Bình Dương cho biết, ngay khi Luật Công đoàn Việt Nam năm 2012 được ban hành, Bình Dương đã tổ chức triển khai, tuyên truyền rộng khắp đến đoàn viên Công đoàn (ĐVCĐ), người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động và nhân dân trên địa bàn tỉnh. Cấp tỉnh, cấp huyện đều có quy chế phối hợp giữa chính quyền với tổ chức Công đoàn; giữa Công đoàn với các ngành chuyên môn như Bảo hiểm xã hội, Tư pháp…
Trong 10 năm qua, Công đoàn đã phối hợp với chính quyền, chuyên môn đồng cấp tổ chức được 25 buổi tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh, huyện, các sở, ngành với 4.739 lượt công nhân lao động, cán bộ Công đoàn cơ sở (CĐCS) để trao đổi thông tin, nắm bắt và giải quyết kịp thời các bức xúc, kiến nghị có liên quan đến việc làm, thu nhập và đời sống của NLĐ và thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn.
Hiện nay, đa số các doanh nghiệp tôn trọng và hợp tác để NLĐ thể hiện quyền thành lập, gia nhập và tham gia các hoạt động Công đoàn, phát triển đoàn viên và CĐCS. Các cấp Công đoàn đã tập trung triển khai thực hiện việc phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS với nhiều giải pháp đa dạng, phù hợp tình hình thực tế tại địa phương. Tính đến cuối tháng 6/2022, toàn tỉnh có 4.066 CĐCS, trong đó có 3.298 CĐCS khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước, chiếm tỷ lệ 81% so với tổng số CĐCS, với 811.169 ĐVCĐ/868.504 công nhân viên chức lao động trong các đơn vị có tổ chức Công đoàn. So với năm 2013 tăng 1.432 CĐCS và 292.840 ĐVCĐ.
Bà Nguyễn Kim Loan - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bình Dương phát biểu tại buổi làm việc
Chính quyền các cấp luôn hỗ trợ, tạo điều kiện tốt để các cấp Công đoàn hoạt động, nhất là trong công tác tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, Bảo hiểm xã hội và thực hiện chính sách hỗ trợ NLĐ; hỗ trợ đất, kinh phí để Công đoàn xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động; chăm lo và bảo đảm quyền, lợi ích, hợp pháp chính đáng của NLĐ như: Tổ chức tuyên dương, tặng bằng khen cho ĐVCĐ, lao động giỏi, lao động sáng tạo, có nhiều đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và địa phương; hỗ trợ NLĐ xa quê, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn dịp Tết, qua 10 năm đã hỗ trợ 117.693 suất quà, trị giá gần 59 tỷ đồng.
Cần thiết sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Công đoàn
Tại buổi làm việc, đại diện các sở, ban ngành tỉnh Bình Dương nêu lên một số khó khăn, vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Công đoàn 2012. Theo ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, việc xem xét mở rộng đối tượng tham gia đối với NLĐ là người nước ngoài trong tình hình hiện nay là cần thiết vì thực tế đang có rất nhiều lao động là người nước ngoài đang làm việc tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoặc các doanh nghiệp của Việt Nam. Bình Dương hiện có khoảng 10.196 lao động là người nước ngoài đang làm việc tại 3.273 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, khi mở rộng đối tượng thì phải tính toán đến việc Công đoàn thực hiện chức năng đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên là người nước ngoài khi xảy ra tranh chấp liên quan đến vấn đề tiền lương, hợp đồng lao động, người nước ngoài có được tham gia sinh hoạt chính trị hay không, nếu có thì ở mức độ nào. Đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh thống nhất với quan điểm này và cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện thí điểm trước khi triển khai nhân rộng.
Bên cạnh đó, theo các đại biểu, việc thực hiện các quy định về các hành vi bị nghiêm cấm (Điều 9 Luật Công đoàn) còn mang tính khái quát chung chung, chưa cụ thể. Trong thời gian tới khi nghiên cứu sửa đổi Luật Công đoàn nên quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Công đoàn và thống nhất, đồng bộ với quy định của Bộ luật Lao động 2019.
Thực tế cho thấy quyền thành lập, gia nhập và hoạt động Công đoàn cần phải có sự hợp tác, thiện chí từ phía NLĐ và người sử dụng lao động, hiện nay vẫn còn một số doanh nghiệp gây khó khăn, chưa tạo điều kiện để thành lập Công đoàn. Việc bố trí cán bộ Công đoàn chuyên trách tại CĐCS hiện nay rất khó thực hiện, do điều kiện về số lượng biên chế ít, chưa có quy định cụ thể kinh phí chi trả về tiền lương, phụ cấp và các chế độ khác. Để thu hút, tạo động lực cho cán bộ CĐCS gắn bó lâu dài với tổ chức Công đoàn, cần có quy định chính sách hỗ trợ, chi trả phụ cấp cho cán bộ Công đoàn không chuyên trách một cách hợp lý và tương xứng với công sức và trách nhiệm của họ.
Các đại biểu cũng góp ý các quy định về quyền và trách nhiệm của Công đoàn trong việc tham gia thanh tra, kiểm tra chế độ chính sách cho NLĐ, tham gia giải quyết tranh chấp lao động; trong phối hợp giám sát thực thi chế độ Bảo hiểm xã hội của NLĐ theo quy định của pháp luật; quy định trong việc thu, chi tài chính Công đoàn…
Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Phan Văn Anh đánh giá cao quá trình và kết quả triển khai thực hiện Luật Công đoàn 2012 tại tỉnh Bình Dương, nhất là trong điều kiện đa số lao động tại Bình Dương từ các địa phương khác đến, công tác quản lý khá khó khăn và phức tạp. Lực lượng CĐCS cũng đóng vai trò quan trọng trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NLĐ, hạn chế thấp nhất các vụ đình, lãn công. Đoàn khảo sát tiếp thu các kiến nghị từ thực tiễn của tỉnh Bình Dương như quyền gia nhập Công đoàn của NLĐ nước ngoài, quyền và trách nhiệm tham gia giải quyết tranh chấp lao động của tổ chức Công đoàn…, qua đó tổng hợp đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012 cho phù hợp với thực tiễn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà phát biểu tiếp thu ý kiến của Đoàn công tác
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Lộc Hà khẳng định, vai trò của tổ chức Công đoàn tại tỉnh Bình Dương rất quan trọng, không chỉ bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng mà còn tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống NLĐ. Ông mong muốn Đoàn khảo sát kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Công đoàn 2012 phù hợp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới.