Luật Tố tụng hành chính năm 2015 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2016, đã khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Tố tụng hành chính năm 2010, tạo hành lang pháp lý cho Toà án giải quyết các vụ án hành chính tốt hơn. Đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính cũng như thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình trong quá trình tham gia tố tụng hành chính để bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2022, TAND hai cấp tỉnh Bình Dương đã thụ lý 555 vụ (512 vụ hành chính sơ thẩm và 43 vụ hành chính phúc thẩm); đã giải quyết 471 vụ, đạt tỷ lệ 84,86%.
Án hành chính chủ yếu là các khiếu kiện liên quan đến lĩnh vực quản lý đất đai, chiếm hơn 70% các vụ án hành chính sơ thẩm, như: Việc đền bù, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, khiếu kiện hành vi hành chính, quyết định hành chính về cấp và không cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyết định quản lý đất công. Ngoài ra, án hành chính còn có các khiếu kiện liên quan đến nhiều lĩnh vực khác như hải quan, thuế, đầu tư, môi trường, giao thông, xây dựng…
Đa số các bản án hành chính đã có hiệu lực pháp luật được người phải thi hành án tổ chức thi hành nghiêm túc.
Đại biểu nêu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Tố tụng hành chính
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi những khó khăn, vướng mắc sau hơn 6 năm triển khai thi hành Luật Tố tụng hành chính. Thực tiễn cho thấy việc giải quyết các vụ án hành chính gặp khó khăn do một số quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, còn kẽ hở. Theo quy định tại khoản 3 Điều 60 Luật Tố tụng hành chính, trường hợp người bị kiện là cơ quan, tổ chức hoặc người đứng đầu cơ quan, tổ chức thì người bị kiện chỉ được ủy quyền cho cấp phó. Tất cả người đại diện hợp pháp cho người bị kiện thực hiện việc trình bày ý kiến, cung cấp chứng cứ theo quy định, tuy nhiên hầu hết người đại diện đều có yêu cầu vắng mặt trong suốt quá trình giải quyết vụ việc. Trong số 471 vụ án hành chính đã giải quyết, chỉ có 17 vụ người đại diện có mặt để tham gia giải quyết vụ án. Điều này gây khó khăn trong việc thu thập chứng cứ, nhiều thủ tục tố tụng phải thực hiện nhiều lần, không thể tổ chức đối thoại với người khởi kiện. Bên cạnh đó, các quy định về đối thoại, mở phiên họp… cũng gặp vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính, TAND tỉnh Bình Dương tiếp tục tổ chức thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/2018/TC-CA ngày 05/12/2018 của Chánh án TAND tối cao. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết các vụ án hành chính thụ lý đã lâu, thường xuyên kiểm tra tiến độ giải quyết, tiến độ các vụ án tạm đình chỉ, các vụ án đương sự có khiếu nại. Bố trí Thẩm phán có năng lực, kinh nghiệm tham gia giải quyết án hành chính.
TAND tỉnh cũng kiến nghị TAND tối cao sớm có hướng dẫn đối với các vướng mắc, tiếp tục tổ chức các hội nghị trực tuyến trao đổi nghiệp vụ với TAND các cấp. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo UBND các cấp phối hợp tốt với Tòa án trong công tác giải quyết án và thi hành án hành chính, kịp thời thông báo kết quả thi hành án hành chính cho Tòa án theo quy định.