Thực hiện chiến dịch bồi thường giải phóng mặt bằng
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh, đường Vành đai 3 qua địa bàn tỉnh Bình Dương có chiều dài khoảng 26,06km đi qua 03 địa phương TP.Thủ Dầu Một, TP.Dĩ An, TP.Thuận An bắt đầu từ nút giao Tân Vạn đến cầu Bình Gởi gồm: Nút giao Tân Vạn có chiều dài 2,53km, đoạn Bình Chuẩn-sông Sài Gòn dài 8,23km, đoạn trùng đường Mỹ Phước – Tân Vạn dài 15,3km, quy mô 08 làn xe cao tốc có đường song hành hai bên và các hành lang để bố trí cây xanh, các công trình hạ tầng kỹ thuật dự trữ mở rộng. Dự án có tổng mức đầu tư 19.280 tỷ đồng, trong đó, chi phí bồi thường, hỗ trợ tái định cư khoảng 13.528 tỷ đồng; thời gian thực hiện dự án từ năm 2022-2026.
Sơ đồ tuyến đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh
Dự án đường Vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Bình Dương được phân thành 02 dự án thành phần, đó là dự án thành phần 5 (xây dựng đường Vành đai 3 bao gồm nút Tân Vạn và cầu Bình Gởi) và dự án thành phần 6 (bồi thường, hỗ trợ và tái định cư). Đây là dự án thuộc nhóm dự án quan trọng Quốc gia. Mục tiêu đầu tư xây dựng dự án là kết nối TP.Hồ Chí Minh với tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An và các địa phương khác trong vùng, phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đang được triển khai thực hiện, tạo không gian phát triển mới, khai thác tiềm năng sử dụng đất nhằm xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nghe các đơn vị báo cáo tình hình triển khai dự án đường Vành đai 3
Đến nay, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh đang triển khai các bước đầu trong công tác giải phóng mặt bằng và chuẩn bị lựa chọn nhà thầu. Sắp tới sẽ trình phê duyệt giải phóng mặt bằng đợt 1; tổ chức khảo sát lập dự án bồi thường hỗ trợ và tái định cư; tổ chức khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án xây dựng, đánh giá tác động môi trường.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi khảo sát tuyến đường Vành đai 3 từ Quốc lộ 13 đến sông Sài Gòn tại Bến đò An Sơn
Để đẩy nhanh tiến độ dự án, Ban kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng kế hoạch chi tiết công tác bồi thường hỗ trợ và tái định cư phục vụ dự án, hướng dẫn các địa phương thực hiện thủ tục liên quan đến giải phóng mặt bằng.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi giao đơn vị chủ đầu tư, tháng 3/2023 phải thực hiện đấu thầu xong dự án, chậm nhất đến ngày 30/4/2023 phải khởi công dự án
Qua báo cáo của các đơn vị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh tầm quan trọng của dự án. Đây là dự án Quốc gia, nguồn vốn đã được bố trí đầy đủ, do đó cần tập trung tất cả nguồn lực để thực hiện công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh phối hợp với các địa phương linh hoạt theo đúng quy định để tập trung triển khai dự án, nhất là phải xác định được giá đền bù cho người dân. Để đẩy nhanh công tác đền bù giải phóng mặt bằng, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các đơn vị liên quan sớm hoàn thành dự án đền bù để tỉnh thông qua. Tỉnh sẵn sàng lắng nghe các ý kiến kiến nghị của người dân để tạo sự đồng thuận trong công tác giải phóng mặt bằng. Bí thư đề nghị TP.Thuận An thành lập Tổ chuyên tiếp nhận kiến nghị của người dân liên quan đến dự án, bố trí đầu tháng 10/2022 tổ chức Lễ ra quân giải phóng mặt bằng trên toàn tuyến. Bí thư nhấn mạnh, tất cả các thủ tục phải đúng quy định nhưng cần nhanh chóng. Giao đơn vị chủ đầu tư, tháng 3/2023 phải thực hiện đấu thầu xong dự án, chậm nhất đến ngày 30/4/2023 phải khởi công dự án.
Bố trí nguồn vốn cho tuyến đường ven sông Sài Gòn
Kiểm tra, khảo sát tuyến đường ven sông Sài Gòn đoạn từ TP.Thủ Dầu Một đến TP.Thuận An, theo báo cáo của UBND TP.Thủ Dầu Một, tuyến đê bao ven sông Sài Gòn đi qua địa bàn TP.Thủ Dầu Một và Thuận An từ rạch Bà Lụa đến cầu Vĩnh Bình, trong đó đoạn đi qua địa bàn TP.Thủ Dầu Một là 3km. Hiện tại đã triển khai xây dựng đoạn đường dài 1,3km bao gồm phố đi bộ Bạch Đằng, dự kiến tháng 9/2022 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng. Còn lại 1,7km chưa thực hiện sẽ xin ý kiến tỉnh tiếp tục bố trí vốn để thực hiện thông suốt tuyến đường.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi khảo sát khảo sát tuyến đường ven sông Sài Gòn đoạn từ TP.Thủ Dầu Một đến TP.Thuận An
Dự kiến tháng 9/2022, TP.Thủ Dầu Một sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng tuyến đường đi bộ khu vực bến Bạch Đằng thuộc phường Phú Cường
Qua ý kiến của UBND TP.Thủ Dầu Một, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các ngành và địa phương nghiên cứu xây dựng cầu cảng tại khu vực này để thuận tiện trong việc giao thương hàng hoá; thống nhất xây dựng cống ngăn triều đối với các rạch vào khu dân cư; còn cống ngăn triều giáp sông thì đầu tư cống kết hợp đường giao thông. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhanh trục ven sông Sài Gòn để kết nối với TP.Hồ Chí Minh để giảm tải cho trục Quốc lộ 13, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Bí thư Tỉnh ủy trao đổi với các sở ngành, TP.Thủ Dầu Một về dự án đường ven sông Sài Gòn
Đối với đoạn 1,7 km còn lại, đề nghị TP.Thủ Dầu Một có báo cáo cụ thể để xin tỉnh tiếp tục bố trí vốn đầu tư, nếu thuận lợi, thì khoảng đầu tháng 10/2022 sẽ nghiên cứu bố trí vốn để thực hiện. Dọc tuyến đường đê bao, nghiên cứu chừa lại một số đoạn để tự nhiên (không làm kè để làm các bãi tắm tự nhiên); đồng thời nghiên cứu một số đoạn đường trồng tre tạo nét truyền thống cho thành phố. Bí thư nhấn mạnh, phải đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng, chậm nhất đầu năm 2023 sẽ khởi công đoạn còn lại.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi khảo sát các cống kiểm soát triều trên tuyến đê bao ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn TP.Thuận An
Đối với tuyến đê bao ven sông Sài Gòn thuộc TP.Thuận An, theo báo cáo của Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuyến đê bao ven sông Sài Gòn đoạn từ Rạch Bà Lụa đến gần rạch Vĩnh Bình có tổng chiều dài gần 13km, quy mô mặt đê rộng 6m. Nhiệm vụ của dự án là giải quyết tiêu thoát nước, ngăn triều chống ngập úng cho vùng hưởng lợi công trình 2.690ha, trong đó, dẫn ngọt rửa phèn đảm bảo tưới tiêu cho sản xuất nông nghiệp với diện tích cây ăn trái đặc sản là 800ha để phát triển du lịch, cải tạo và bảo vệ môi trường. Sau khi xây dựng xong công trình đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên, trên tuyến đê bao ven sông Sài Gòn còn 05 rạch lớn (Vĩnh Bình, Lái Thiêu, Bình Nhâm, Vàm Búng, Bà Lụa) chưa được đầu tư các cống ngăn triều tại cửa rạch, công trình bờ bao còn thấp dẫn đến thường xuyên gây ngập úng khi triều cường ảnh hưởng đến sản xuất, ô nhiễm môi trường, sinh hoạt của người dân, đặc biệt ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái đặc sản của Bình Dương. Đến nay, mới phê duyệt dự án cống kiểm soát triều rạch Bình Nhâm với tổng vốn đầu tư khoảng 284 tỷ đồng, 04 cống kiểm soát triều rạch còn lại chưa được phê duyệt dự án. Vì vậy, để hoàn thiện, đồng bộ hệ thống công trình chống ngập úng, triều cường và biến đổi khí hậu ven sông Sài Gòn trên địa bàn tỉnh, Ban kiến nghị tỉnh xem xét bố trí vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện 04 cống kiểm soát triều còn lại trên địa bàn TP.Thuận An theo thứ tự ưu tiên từng dự án.
Bí thư chỉ đạo sau khi nghe Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo tình hình đầu tư các cống kiểm soát triều trên tuyến đê bao ven sông Sài Gòn thuộc địa bàn TP.Thuận An
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi thống nhất với các kiến nghị đề xuất của Ban Quản lý dự án ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND TP.Thuận An. Bí thư đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu tỉnh bố trí nguồn vốn để thực hiện các cống kiểm soát triều còn lại trong giai đoạn tiếp theo.