Tại buổi họp báo, UBND tỉnh đã thông tin sơ nét về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7/2022, công tác triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19, công tác phòng, chống dịch bệnh, chuẩn bị khai giảng năm học 2022-2023... Phóng viên, đại diện các cơ quan báo chí đã trao đổi với lãnh đạo các sở ngành những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm.
Biến chủng BA.4, BA.5 đã xâm nhập vào tỉnh
Ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 93.364 ca mắc Covid-19, gồm: 93.355 ca mắc trong cộng đồng và 09 trường hợp nhập cảnh. Đặc biệt Bình Dương đã ghi nhận 03 trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.5 và 01 trường hợp nhiễm biến thể BA.4 của Omicron. Các ca nhiễm này ở TX.Bến Cát (02 ca), huyện Bàu Bàng (01 ca) và TP.Dĩ An (01 ca). Lũy kế đến nay toàn tỉnh ghi nhận 384.035 ca mắc Covid-19 và 3.475 ca tử vong.
Tính đến ngày 08/8/2022, tỉnh đã triển khai tiêm được 7.128.261 liều vắc xin phòng Covid-19. Về cơ bản mũi 1, mũi 2 của các đối tượng đều đạt chỉ tiêu, tuy nhiên tiến độ tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5-11 tuổi, mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi và mũi 4 cho người lớn còn chậm, chưa đạt chỉ tiêu đề ra.
Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng do biến thể phụ của Omicron là BA.4, BA.5 có tốc độ lây lan nhanh. Ông Chương mong muốn các cơ quan truyền thông, báo chí tiếp tục tuyên truyền để người dân không chủ quan, lơ là, chủ động đi tiêm vắc xin phòng Covid-19, góp phần bảo vệ bản thân, gia đình và xã hội.
Ông Nguyễn Hồng Chương - Giám đốc Sở Y tế thông tin về tình hình dịch bệnh
Về sốt xuất huyết (SXH), từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 9.437 ca mắc, tăng 58,3% so với cùng kỳ năm 2021 và đã có 13 ca tử vong do SXH (tăng 12 ca so với cùng kỳ năm 2021), trong đó có 08 ca tử vong là trẻ em dưới 15 tuổi (chiếm 61,5%). Địa phương có số mắc và tử vong cao là: TX. Tân Uyên (1.982 ca mắc, 04 ca tử vong), TP. Dĩ An (1.578 ca mắc, 05 ca tử vong), TX. Bến Cát (1.309 ca mắc), TP. Thuận An (1.205 ca mắc, 02 ca tử vong), TP.Thủ Dầu Một (1.205 ca mắc, 01 ca tử vong)…
Thời gian tới, ngành Y tế tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc mới, tập trung vào những nơi có ổ dịch cũ, nguy cơ bùng phát dịch. Tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân. Củng cố và duy trì hoạt động của "nhóm điều trị bệnh sốt xuất huyết" và "đường dây điện thoại nóng phòng, chống dịch sốt xuất huyết" tại các đơn vị khám, chữa bệnh để thường xuyên tư vấn, trao đổi thông tin về chuyên môn, yêu cầu hỗ trợ khi cần thiết. Đồng thời hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh, loại trừ ngay ổ lăng quăng, bọ gậy.
Năm học 2022-2023 tăng gần 30.000 học sinh
Báo cáo tình hình năm học mới 2022-2023, ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cho biết, toàn tỉnh có 742 trường học với tổng số 527.102 học sinh, tăng 11 trường và tăng khoảng 29.922 học sinh so với năm học 2021-2022. Số học sinh tăng tập trung tại các địa bàn TP.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một, TX.Tân Uyên, TP.Dĩ An, TX.Bến Cát.
Một số địa phương vượt quy định số học sinh cấp tiểu học (35 học sinh/lớp) như TX.Bến Cát (trung bình 46,6 học sinh/lớp); TP.Dĩ An, Thuận An (trung bình 44 học sinh/lớp); TX.Tân Uyên (trung bình 43 học sinh/lớp); TP.Thủ Dầu Một (trung bình 37,5 học sinh/lớp). Bên cạnh đó, vẫn còn các lớp mầm non, mẫu giáo có số trẻ vượt hơn quy định tại các địa phương trên.
Ông Nguyễn Văn Phong - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo báo cáo công tác chuẩn bị năm học mới
Dự kiến toàn ngành GDĐT thiếu 3.102 giáo viên và 538 viên chức khác. Để giải quyết tình trạng này, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương ngành GDĐT tuyển dụng 154 chỉ tiêu viên chức. Trên cơ sở tham mưu của Sở, UBND tỉnh xem xét tiếp tục cho chủ trương các đơn vị hợp đồng những viên chức, nhân viên còn thiếu sau tuyển dụng và tiếp tục xem xét, từng bước giải quyết cho những viên chức không trực tiếp giảng dạy nhưng được đào tạo sư phạm để chuyển ra dạy lớp đúng chuyên môn trên cơ sở đánh giá của đơn vị sử dụng và cơ quan quản lý trực tiếp. Sở GDĐT cũng dự kiến các phương án về phân công giáo viên dạy thêm giờ, dạy thỉnh giảng.
Về cơ sở vật chất, đến tháng 8/2022, toàn tỉnh có 20/24 công trình trường học được hoàn thành phục vụ khai giảng và 04/24 công trình đang thi công, với tổng mức đầu tư các công trình trường học là 2.003,869 tỷ đồng.
Trong điều kiện hiện nay nhất là bối cảnh nhiều mặt hàng tăng giá, tỉnh quyết định chưa tăng học phí và các khoản thu dịch vụ đối với tất cả các bậc học trong năm học 2022-2023 nhằm chia sẻ khó khăn với người dân.
Nỗ lực giữ chân người lao động
Các vấn đề về chính sách thu hút, giữ chân nguồn nhân lực, xử lý vi phạm tại các dự án dân cư, hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, cấp thẻ Căn cước công dân, chuyển đổi số… cũng được báo chí quan tâm tại buổi họp báo.
Trước câu hỏi của các cơ quan báo chí về chính sách thu hút nhân lực để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực y tế, giáo dục, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hồng Chương cho rằng, thực tế qua công tác phòng, chống dịch cho thấy tỉnh không chỉ thiếu về bác sĩ mà còn thiếu đội ngũ nhân viên y tế, điều dưỡng. Theo ông, cùng với chính sách tiền lương, các yếu tố như cơ hội phát triển nghề nghiệp, môi trường làm việc cũng quyết định việc người lao động có gắn bó với nghề hay không. Sở Y tế đang xây dựng Đề án phát triển tổng thể ngành Y tế đến năm 2030, trong đó sẽ đề xuất những chính sách thu hút đội ngũ nhân viên y tế về làm việc tại Bình Dương. Còn đại diện lãnh đạo Sở GDĐT cho biết sẽ tham mưu bỏ bớt một số quy định "cứng" khi tuyển dụng, điều chuyển viên chức (như thâm niên công tác).
Ngày 15/8/2022 là hạn chót nộp hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định 08. Ông Phạm Văn Tuyên - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội mong muốn báo chí phối hợp tuyên truyền, cùng với ngành đốc thúc các doanh nghiệp hoàn tất việc nộp hồ sơ để triển khai hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động.
Phóng viên VOV đặt câu hỏi tại buổi họp báo
Thông tin về Chỉ số chuyển đổi số của tỉnh năm 2021, đại diện Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, Bình Dương là một trong những tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nguồn lực của tỉnh chủ yếu phục vụ tập trung cho công tác phòng, chống dịch; các nguồn lực công nghệ thông tin cũng tập trung cho các công tác nhập liệu, triển khai các ứng dụng phòng, chống dịch. Công tác chuyển đổi số của tỉnh chưa thực hiện nhiều theo chiều sâu và bám sát bộ tiêu chí đánh giá của Quốc gia. Tuy nhiên Chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI) tỉnh Bình Dương năm 2021 có chuyển biến tích cực, xếp hạng 22/63 tỉnh, thành phố, tăng 09 bậc so với năm 2020 (xếp hạng 31/63 tỉnh, thành phố).
Tỉnh đang rà soát bộ TTHC, chuẩn hóa quy trình xử lý, bổ sung hoặc cắt giảm, thống nhất quy trình từ cơ sở tới tỉnh tới Trung ương đến tháng 9/2022 không tiếp nhận hồ sơ giấy chuyển sang làm hồ sơ trực tuyến qua mạng theo chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy.
Phát biểu tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tầm Dương khẳng định, Bình Dương ghi nhận những đóng góp của các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh và mong muốn nhận thêm nhiều ý kiến góp ý từ báo chí. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp để khắc phục những vấn đề mà các cơ quan báo chí đã nêu ra.