Ông Đào Ngọc Dung - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; ông Đỗ Ngọc An - Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương đồng chủ trì hội nghị.
Tham dự tại điểm cầu Bình Dương có ông Nguyễn Lộc Hà - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện một số sở ngành.
Theo báo cáo, quy mô tổ chức, doanh nghiệp làm dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tăng nhanh qua các năm. Đến năm 2022 có 451 tổ chức, doanh nghiệp, cao hơn 2 lần so với thời điểm ban hành Chỉ thị số 16. Từ 9 thị trường năm 2013 đến nay đã mở rộng lên đến 25 thị trường, đưa được hơn 1 triệu lượt người lao động và chuyên gia đi làm việc tại nước ngoài; thu nhập người lao động tương đối ổn định, bình quân 200 triệu đồng/người/năm.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu Bình Dương
Theo thống kê, bình quân mỗi năm người lao động và chuyên gia gửi về nước khoảng 10 tỷ đô la Mỹ, tăng 5 lần so với giai đoạn trước khi ban hành Chỉ thị số 16. Điều này không chỉ góp phần giúp người lao động và gia đình xóa đói, giảm nghèo mà còn có tích lũy, đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo việc làm; đóng góp vào nguồn ngoại tệ của đất nước; góp phần xây dựng quê hương đất nước, đặc biệt là vào Chương trình xây dựng nông thôn mới.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đề nghị các địa phương, đơn vị cần tiếp tục đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; điều chỉnh bao quát các quan hệ lao động đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài, quy định rõ trách nhiệm các bên liên quan về báo cáo, thông tin, thẩm quyền cấp phép đối với doanh nghiệp dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, công tác bảo hộ công dân.
Xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu quản lý người lao động đi làm việc ở nước ngoài gắn với quản lý lao động trong nước đảm bảo đồng bộ, liên thông, cập nhật, đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới. Đổi mới đào tạo kỹ năng nghề, ngoại ngữ, văn hóa cho người lao động; tăng cường công tác bảo hộ công dân đi làm việc ở nước ngoài…
Bộ trưởng cũng lưu ý, một số địa bàn đưa người đi lao động rất đông nhưng còn thiếu sự quản lý chặt chẽ nên để xảy ra việc vi phạm pháp luật hoặc bỏ trốn. Vì vậy các địa phương cần quan tâm chăm lo "đầu vào, đầu ra", tổ chức đào tạo nghề, ngoại ngữ và kỹ năng cho người lao động.